Chuyên gia Mỹ kêu gọi cứng rắn hơn ở Biển Đông

24/09/2016 11:00 GMT+7

Các chuyên gia về luật hàng hải và Biển Đông kêu gọi Mỹ hành động mạnh mẽ hơn với mưu đồ áp đặt chủ quyền phi pháp tại vùng biển chiến lược này.

Theo trang tin USNI hôm qua 23.9, Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ vừa tổ chức phiên điều trần với sự tham gia của 3 chuyên gia hàng đầu về vấn đề tranh chấp biển ở châu Á - Thái Bình Dương, nhằm nghe “hiến kế” những bước đi cần thiết sắp tới. Trong đó, những nhà phân tích đến từ ĐH Chiến tranh hải quân Mỹ (NWC) và Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) thống nhất rằng Washington phải thể hiện lập trường cứng rắn hơn, đồng thời đẩy mạnh hoạt động thể hiện quyền tự do hàng hải.
USNI dẫn lời 3 chuyên gia Mỹ khẳng định việc tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy ước hàng hải ở Biển Đông cực kỳ quan trọng, không chỉ đối với an ninh khu vực mà cả trong việc duy trì trật tự tại những khu vực khác trên thế giới. Bên cạnh việc ủng hộ Mỹ phê chuẩn Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), các chuyên gia còn cho rằng hải quân Mỹ cần phải đẩy mạnh hoạt động tự do hàng hải (FONOPS).
Tăng cường hành động
Tại buổi điều trần, bà Bonnie Glaser, chuyên gia cấp cao của CSIS, tuyên bố nếu trong cương vị người có trách nhiệm, bà sẽ thúc đẩy thực hiện FONOPS nhiều hơn nhưng sẽ tiến hành một cách “thực chất, lặng lẽ và không phô trương”. Theo chuyên gia này, Úc có thể là một đối tác hiệu quả để phối hợp tiến hành các chiến dịch triển khai tàu chiến và máy bay thực hiện FONOPS. Hai nước có thể tiến hành tuần tra chung hoặc hoạt động riêng rẽ để “phủ sóng” nhiều khu vực hơn.
Mới đây, Nhật Bản cũng tuyên bố có thể cùng tuần tra chung ở Biển Đông với Mỹ. Tuy nhiên, chuyên gia Glaser nhận định nếu Tokyo thật sự tham gia thì có thể sẽ hứng chịu trả đũa tại biển Hoa Đông.
Vào tháng 10.2015, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Lassen (DDG-82) của hải quân Mỹ đã tuần tra áp sát đá Xu Bi, thuộc quần đảo Trường Sa của VN nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng và cấp tập bồi đắp phi pháp. Khi đó, Lầu Năm Góc tuyên bố tàu này thực hiện quyền “đi qua vô hại” theo luật hàng hải quốc tế khi không sử dụng bất kỳ loại vũ khí hoặc radar cũng như hành động quân sự nào lúc đi ngang đá Xu Bi. Trong buổi điều trần, giáo sư luật quốc tế tại NWC James Kraskar chỉ trích chuyến “đi qua vô hại” đó quá yếu và không đủ để thể hiện quyết tâm tự do hàng hải. USNI dẫn lời ông nhận định Mỹ đã “tránh né thực hiện đầy đủ các quyền trên biển của mình”. “Tôi sẽ không chọn cách đi qua vô hại để thách thức các tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp, vì đó là phần hạn chế nhất của luật Biển”, ông nhấn mạnh.
Giáo sư Kraska cho rằng Mỹ phải tỏ cương quyết hơn với những tuyên bố chủ quyền phi pháp và những hành động phương hại đến tự do di chuyển cũng như hòa bình, ổn định trong khu vực. Ông khẳng định thêm cái gọi là “đường cơ sở” được đơn phương thiết lập quanh quần đảo Hoàng Sa của VN đều là bất hợp pháp. Chuyên gia Kraskar cũng đề xuất bổ sung vào FONOPS việc thường xuyên triển khai máy bay quân sự bay ngang không phận bên trên những thực thể bị liệt vào tuyên bố chủ quyền phi pháp ở Biển Đông.
Nguy cơ từ tàu hải cảnh
Cũng theo các chuyên gia NWC và CSIS, Trung Quốc đang cố hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý không phải bằng đội tàu vỏ xám của hải quân nước này, mà thông qua đội tàu hải cảnh vỏ trắng cũng như tàu cá vỏ sắt. Giáo sư Andrew Erickson thuộc NWC mô tả đây là lực lượng “trong bóng tối” của Bắc Kinh.
Trong một báo cáo do CSIS công bố đầu tháng này, lực lượng hải cảnh Trung Quốc bị phát hiện dính líu đến hầu hết những vụ đụng độ trên Biển Đông kể từ năm 2010 đến nay. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, đã xảy ra 45 vụ đụng độ, chạm mặt và tàu hải cảnh Trung Quốc có mặt trong 30 trường hợp. Các tác giả cảnh báo hành động ngày càng hung hăng của các tàu này có nguy cơ gây mất ổn định trong khu vực. Reuters dẫn lời bà Glaser nhận định những bằng chứng mà họ thu thập được “đã làm sáng tỏ một kiểu hành vi của Trung Quốc đi ngược lại việc thực thi pháp luật thông thường”.
Tại cuộc điều trần ở Hạ viện, bà Glaser tiếp tục nhận định Washington có thể lo lắng về việc thúc ép Bắc Kinh chấm dứt các hành vi gây mất ổn định ở Biển Đông sẽ làm ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa hai nước vào thời điểm hiện tại và trong tương lai. Tuy nhiên, bà tin Mỹ có đủ khả năng để cân bằng cả hai việc.
Liên quan đến việc xử lý vấn đề Biển Đông theo luật pháp quốc tế, Giáo sư Kraskar nhận định bên cạnh việc đâm đơn kiện ra Tòa trọng tài như Philippines đã làm, còn có những tổ chức quốc tế khác có thể xử lý những vi phạm trên biển nếu nhận khiếu nại. Cụ thể, Tổ chức Hàng hải quốc tế có thể xem xét vi phạm của tàu hải cảnh theo Quy tắc phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGS), Tổ chức Hàng không quốc tế có thể xử lý những vi phạm theo bộ quy tắc của cơ quan này, và Cơ quan Lương nông LHQ có thể xem xét vấn đề lạm dụng tàu cá như một phương tiện quân sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.