Chuyện gì đang xảy ra ở nước Mỹ vậy?

Ngọc Mai
Ngọc Mai
07/01/2021 06:42 GMT+7

Một cuộc bầu cử mất nhiều thời gian để kiểm phiếu, một cuộc chiến pháp lý dai dẳng của đương kim tổng thống và một sự chia rẽ sâu sắc, náo loạn và bạo lực trong ngày phán quyết.

Dù đã trải qua những cuộc bầu cử nhiều tranh cãi nhưng hiếm có cuộc đua nào "gay cấn" đến khó tin như năm 2020.
Ngày 3.11.2020, cử tri Mỹ đi bầu cử và phải hơn 4 ngày sau truyền thông nước này mới đưa ra dự đoán người chiến thắng. Cả hai ứng viên đều ghi tên mình vào lịch sử khi ông Joe Biden giành được số phiếu phổ thông kỷ lục hơn 80 triệu, còn đương kim Tổng thống Donald Trump nhận được nhiều phiếu hơn bất kỳ vị tổng thống nào từ trước tới nay (khoảng 74 triệu phiếu).
Cũng kể từ đó, một cuộc chiến pháp lý tốn kém nhất lịch sử đã diễn ra. Phía ông Trump đâm đơn kiện ở hàng loạt bang với nhiều cáo buộc gian lận bầu cử nhưng không giành được chiến thắng nào đáng kể để thay đổi kết quả.

Người ủng hộ ông Trump gây náo loạn tại Điện Capitol

Ngày 14.12.2020, đại cử tri ở 50 bang và Quận Columbia đi bỏ lá phiếu bầu tổng thống. Kết quả vẫn không có gì thay đổi so với những gì đã được truyền thông công bố. Không có đại cử tri "bất trung". Ông Biden được xác nhận giành 306 phiếu, ông Trump có 232 phiếu.
Quá trình chuyển giao quyền lực được khởi động. Đã có những trở ngại cho ông Biden, nhưng các cơ quan chính phủ Mỹ vẫn thực hiện quá trình này.
Những tưởng mọi chuyện êm xuôi, cuộc bầu cử coi như đã ngã ngũ thì lại trở nên phức tạp. Ngày 6.1.2021, lưỡng viện quốc hội Mỹ nhóm họp đếm phiếu đại cử tri để chính thức tuyên bố chiến thắng của ông Biden. Cuộc họp lâu nay vốn chỉ mang tính hình thức đã biến thành "ngày phán quyết", nhưng nó không chỉ là ngày phán quyết mà đã trở thành minh chứng rõ nét về sự chia rẽ và náo loạn của kỳ bầu cử lần này.

Người ủng hộ ông Trump đụng độ với cảnh sát

AFP

Ngay trước cuộc họp, Tổng thống Trump kêu gọi người ủng hộ mình đến thủ đô Washington D.C để biểu tình đòi chiến thắng cho ông. Chủ nhân Nhà Trắng cũng không ngần ngại gây sức ép đối với phó tướng của mình là Phó tổng thống Mike Pence - người giữ cương vị Chủ tịch Thượng viện và chủ trì cuộc họp "ngày phán quyết".
Ông Trump còn thúc giục các nhà lập pháp đảng Cộng hòa thách thức kết quả bầu cử để ông Biden không được công nhận chiến thắng. Nỗ lực "lật kèo" của ông Trump được khoảng 140 nghị sĩ Cộng hòa ở hai viện và hàng trăm ngàn người ủng hộ. Do đó, cuộc họp không kết thúc ở 20-25 phút như thường thấy mà phải chuyển qua giai đoạn tranh luận đối với các thách thức kết quả.
Nhưng không dừng lại ở đó, hỗn loạn đã xảy ra với nước Mỹ.
Người biểu tình ủng hộ ông Trump xông vào tòa nhà quốc hội, gây náo loạn, chiếm ghế ngồi của Chủ tịch Hạ viện. Đổ máu xảy ra, súng đã nổ, đã có người chết. Cảnh sát, FBI, Vệ binh quốc gia được điều động. Hàng chục người bị bắt. Điện Capitol tê liệt, cuộc tranh luận của quốc hội bị gián đoạn.
Cảnh tượng loạn đến nỗi các chính khách cấp cao của nước Mỹ đều phải lên án. Sau khi được "réo tên", Tổng thống Trump cũng đã kêu gọi người ủng hộ mình về nhà nhưng vẫn không ngừng tuyên bố rằng mình bị cướp đi chiến thắng.
Ông Trump bị ông Biden và hàng loạt chính trị gia Dân chủ chỉ trích, thậm chí đã có nghị sĩ chuẩn bị sẵn sàng để đệ trình đề xuất luận tội nhằm phế truất ông Trump dù ông chỉ còn tại vị hai tuần nữa.
Nước Mỹ sau ngày bầu cử vốn đã chia rẽ nhưng đến ngày phán quyết này càng cho thấy sự chia rẽ sâu sắc. Cần lưu ý rằng nước Mỹ còn đang phải chiến đấu với một kẻ thù khác là Covid-19, khi ca nhiễm và tử vong đang tăng cao chưa từng thấy.
Không rõ mọi chuyện sẽ còn căng thẳng thế nào nhưng hiến pháp Mỹ đã quy định rõ ngày tổng thống mới nhậm chức là 20.1. Dù vậy, cũng không ai dám chắc ngày nhậm chức của ông Biden sẽ diễn ra yên ả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.