Chuyến công du xác lập chính sách châu Á của Mỹ

04/11/2017 07:00 GMT+7

Chiến lược của Tổng thống Donald Trump đối với châu Á và quan hệ Mỹ - Trung sẽ được xác lập rõ sau chuyến công du của nhà lãnh đạo này đến khu vực.

Hôm nay 3.11, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ lên đường bắt đầu chuyến thăm đầu tiên đến các nước châu Á và cũng là chuyến công du dài nhất kể từ khi nhậm chức. Theo lịch trình, bên cạnh việc tham dự Tuần lễ cấp cao APEC và Hội nghị cấp cao ASEAN, Tổng thống Trump sẽ hội đàm với các lãnh đạo Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, VN và Philippines. Giới chuyên gia đang theo dõi sát sao vì cho rằng chuyến công du này sẽ định hình mối quan hệ Mỹ - Trung, 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới đang còn tồn tại nhiều bất đồng.
Cựu quan chức Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Michael Green nhận định kết quả chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Bắc Kinh sẽ “khởi động lại” toàn bộ quá trình hoạch định chính sách đối với Trung Quốc. “Họ sẽ từ bỏ tất cả các cân nhắc về chính sách và bắt đầu lại dựa trên chuyến thăm này”, tờ South China Morning Post dẫn lời ông Green nhận định.
Nhà Trắng đang âm thầm xem xét lại toàn bộ chính sách đối với Trung Quốc từ tháng 6, sau những quan ngại về việc Tổng thống Trump có thể chưa có hướng tiếp cận rõ ràng. Trước đó, chính quyền Mỹ chủ yếu tập trung vào các vấn đề tranh chấp và rào cản trong thương mại, bên cạnh vấn đề Triều Tiên và Biển Đông.
Tại cuộc họp báo hôm qua, chuyên gia Christopher Johnson tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) cho rằng việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình củng cố vị thế lãnh đạo sau Đại hội Đảng lần thứ 19 lại là lợi thế cho Tổng thống Trump trong đàm phán. Theo ông, lãnh đạo Trung Quốc sẽ khó có lý do để biện minh về những khó khăn trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến thương mại và Triều Tiên.
Trước khi đến Bắc Kinh, Tổng thống Trump dự kiến sẽ chơi golf với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tại chặng dừng đầu tiên ở Tokyo vào ngày 5.11 và đến Seoul vào ngày 7.11. Theo ông Green, Tổng thống Mỹ cũng sẽ tập trung vào thỏa thuận thương mại tự do song phương với Nhật và Hàn Quốc, bên cạnh vấn đề chính là đối phó mối đe dọa từ Triều Tiên. Mỹ không chỉ tăng cường mối quan hệ Mỹ - Nhật mà còn hợp tác an ninh 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn với các cuộc tập trận chưa từng có. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định việc tăng cường hợp tác 3 bên vẫn còn là một ẩn số sau khi Hàn Quốc thông báo sẽ không triển khai thêm hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Chuyên gia Matthew Goodman, cố vấn cấp cao về kinh tế Đông Á tại CSIS, cho rằng Tổng thống Trump có thể có 1 hoặc 2 cuộc gặp song phương, bên cạnh việc trình bày các ưu tiên về kinh tế và thương mại khi tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Sau VN, Tổng thống Trump sẽ đến Philippines dự hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN cũng như lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và 40 năm quan hệ Mỹ - ASEAN.
Nhận định về quan hệ Mỹ - ASEAN, bà Amy Searight, Giám đốc chương trình Đông Nam Á tại CSIS, cho rằng Mỹ luôn tăng cường mối quan hệ với các nước Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump sẽ có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và đây là cơ hội để khởi động lại quan hệ song phương, theo bà Searight.
Tổng thống Trump sẽ thảo luận về vấn đề Biển Đông
Tờ Manila Bulletin dẫn lời ông Patrick Murphy, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Nam Á, cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thảo luận về việc tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông tại Hội nghị ASEAN ở Manila từ ngày 12 - 13.11. Đây là một trong 3 vấn đề trọng tâm mà Tổng thống Trump dự kiến sẽ trao đổi với các đối tác, bên cạnh vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và chống khủng bố. Bà Amy Searight nhận định đây là dịp Tổng thống Mỹ có thể lắng nghe nhiều hơn về quan điểm của các nước trong khu vực. Theo bà Searight, giới quan sát cũng đang chờ xem Tổng thống Trump sẽ đề cập đến vấn đề này như thế nào trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.