Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L.Engel: Tôi ủng hộ Việt Nam

Văn Khoa
Văn Khoa
28/07/2019 07:00 GMT+7

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L.Engel yêu cầu Trung Quốc rút tất cả tàu khỏi vùng biển VN .

Ngày 26.7 (theo giờ Mỹ), Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot L.Engel ra tuyên bố chính thức về vụ nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN. Trong tuyên bố đăng trên website của ủy ban này, ông Engel khẳng định: “Tình trạng hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là minh chứng đáng lo ngại về một quốc gia công khai xem thường luật pháp quốc tế. Theo Công ước LHQ về luật Biển, những hành động của Trung Quốc vi phạm chủ quyền và những quyền lợi hợp pháp của VN trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này. Đáng chú ý là hành vi của Trung Quốc đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ đang hoạt động ở khu vực”.
Tuyên bố còn viết: “Kể từ khi xuất hiện thông tin hồi tuần trước cho hay nhóm tàu thăm dò dầu khí Trung Quốc vào EEZ của VN, nước này nhiều lần yêu cầu họ rút khỏi, nhưng Trung Quốc cố tình phớt lờ. Kiểu quấy rối này là mối đe dọa đối với VN và là bằng chứng cho thấy Trung Quốc sẵn sàng dọa nạt láng giềng. Những vụ việc như thế này cho thấy Trung Quốc coi thường luật pháp và ngoại giao quốc tế”. Nghị sĩ Engel nhấn mạnh: “Tôi ủng hộ VN và các đối tác của chúng tôi trong việc lên án hành động gây hấn này. Cộng đồng quốc tế phải tiếp tục duy trì trật tự dựa trên các quy định và luật pháp quốc tế. Tôi yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức tất cả tàu khỏi vùng biển của các nước láng giềng và chấm dứt những chiến thuật dọa nạt phi pháp”.
Đây là lần đầu tiên phía Mỹ trực tiếp lên án vụ nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 ngang nhiên vi phạm EEZ và thềm lục địa của VN. Trước đó, vào ngày 20.7, Bộ Ngoại giao Mỹ và Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã lên tiếng chỉ trích những hành động gây quan ngại của Trung Quốc ở Biển Đông nhưng không nêu cụ thể vụ việc liên quan nhóm tàu khảo sát Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại trước thông tin về “những hành động đang diễn ra” của Trung Quốc ở Biển Đông, đe dọa hòa bình và an ninh khu vực, theo AFP. Washington cũng chỉ trích Bắc Kinh can thiệp vào việc thăm dò và sản xuất dầu mỏ cũng như khí đốt mà các quốc gia đã tiến hành từ lâu, cụ thể là VN. Tương tự, ông Bolton chỉ trích Trung Quốc đang đe dọa an ninh và hòa bình tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua hành vi cưỡng ép đối với các nước láng giềng Đông Nam Á.
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 25.7, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến hoạt động của nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 vi phạm EEZ và thềm lục địa của VN, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Về vụ việc nghiêm trọng này, chúng tôi đã đề cập trong các phát biểu trước đây. Như đã nhiều lần khẳng định, VN kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã được xác lập trong Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Với mục tiêu trên, VN đã có nhiều hình thức giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của VN”.

“Vừa ăn cướp, vừa la làng”

Trả lời Thanh Niên về vụ nhóm tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc ngang nhiên hoạt động ở khu vực bãi Tư Chính, tiến sĩ luật Trần Thăng Long (Trường đại học Luật TP.HCM) khẳng định: “Đây là hành vi vi phạm hết sức nghiêm trọng đối với quyền chủ quyền, quyền tài phán của VN đối với vùng biển mà VN có đầy đủ căn cứ pháp lý theo luật quốc tế, cụ thể là Công ước LHQ về luật Biển 1982 đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Cần phải khẳng định rằng khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc về VN và Trung Quốc không có bất kỳ quyền gì hay cơ sở gì theo luật quốc tế hiện tại”. Ông Long cho rằng động thái mới của Trung Quốc “có mục đích rõ ràng nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành tranh chấp, phục vụ cho ý đồ độc chiếm Biển Đông, hiện thực hóa đường cơ sở 9 đoạn vốn đã bị bác bỏ theo phán quyết của Tòa Trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc năm 2016”. Cũng theo ông, đây là hành động thể hiện sự ngang ngược, bất chấp pháp luật quốc tế, chà đạp lên những quy tắc được thiết lập bởi luật pháp quốc tế về biển.
“Đây cũng là sự leo thang cực kỳ nguy hiểm sau khi Trung Quốc thực hiện âm mưu quân sự hóa Biển Đông cũng như hành vi đảo hóa tại Trường Sa, gây áp lực trước những quan điểm phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc tại đây của cộng đồng quốc tế. Với những tuyên bố của phía Trung Quốc đối với phản ứng của VN và của các nước như Mỹ, hành vi của Trung Quốc là “vừa ăn cướp, vừa la làng” một cách trắng trợn, ngang ngược và phi lý”, tiến sĩ Long nhận định.
Minh Trung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.