Choáng ngợp cảnh tượng hai thiên hà kết hợp

22/06/2021 14:00 GMT+7

Với sự hỗ trợ của kính Hubble, các nhà thiên văn học đã chụp được ảnh một sự kiện thót tim đang xảy ra trong phạm vi hệ thống thiên hà IC 1623: hai thiên hà đang kết hợp ở giai đoạn cuối cùng.

Bức ảnh chụp sự va chạm của bộ đôi thiên hà đã trở thành ảnh trong tuần của Hubble, với tựa đề “Sự chạm trán của những gã khổng lồ”, theo trang SciTechDaily hôm 21.6.
Theo các nhà thiên văn học, hình ảnh mới được tập hợp từ dữ liệu của Camera trường rộng 3 (WFC3), và kết hợp quan sát từ 8 bộ lọc, trải dài từ bước sóng hồng ngoại đến tia cực tím, để lấy được chi tiết rõ hơn về IC 1623.
Hệ thống thiên hà IC 1623 cách Trái đất (thuộc Dải Ngân hà) khoảng 275 triệu năm ánh sáng. Và bức ảnh mới ghi nhận thời điểm hai thiên hà trong nhóm đang ở giai đoạn cuối cùng của quá trình kết hợp. Ước tính đây là quy trình phải mất hàng trăm triệu năm mới hoàn tất và theo đó sản sinh các ngôi sao mới.
Các nhà thiên văn học sẽ tiếp tục theo dõi bộ đôi thiên hà trên nhằm hiểu thêm về các quá trình hình thành sao khi hai thiên hà đang sát nhập.
Hệ thống thiên hà IC 1623 thuộc dạng xoắn ốc, lần đầu tiên được nhà thiên văn học người Mỹ Lewis Swift phát hiện năm 1897 ở vị trí chòm sao Kình Ngư. Do vị trí của nó, các nhà nghiên cứu Trái đất chỉ có thể quan sát IC 1623 vài lần trong năm, và trong những lần đó nó chỉ lộ diện một phần.
Kình Ngư là chòm sao lớn thứ tư trên bầu trời đêm Trái đất. Các láng giềng của nó là Bạch Dương, Song Ngư và Bảo Bình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.