Chính phủ Mỹ ngưng hoạt động

02/10/2013 03:48 GMT+7

Lần đầu tiên sau 17 năm, chính phủ Mỹ ngưng hoạt động sau khi quốc hội không thông qua được chi tiêu ngân sách cho năm tài khóa 2013 - 2014.

 
Nhà Trắng bị “cầm tù” trong cuộc đấu đá chính trị Dân chủ - Cộng hòa / Ảnh: AFP

Theo Đài CBS, chính phủ liên bang đã chính thức ngừng làm việc vào 0 giờ 1 phút ngày 1.10 (giờ Mỹ), sau khi lưỡng viện lập pháp thất bại trong việc đạt thỏa thuận chi tiêu cho phép duy trì hoạt động bình thường. Lần gần đây nhất Mỹ lâm vào tình trạng tương tự là vào giai đoạn 1995 - 1996 dưới thời Tổng thống Bill Clinton.

1 triệu người không lương

Vào 23 giờ 46 đêm 30.9, Nhà Trắng chỉ đạo các cơ quan liên bang triển khai kế hoạch tạm đóng cửa trong bối cảnh chính phủ chỉ duy trì hoạt động tối thiểu. “Không may là chẳng có dấu hiệu nào cho thấy quốc hội phản ứng kịp thời. Các cơ quan bộ ngành hãy áp dụng kế hoạch như dự kiến để quá trình ngưng hoạt động diễn ra trật tự”, website Nhà Trắng dẫn thông báo của Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Sylvia M.Burwell viết.

Như vậy, nước Mỹ đã phải trả giá vì cuộc chiến không khoan nhượng giữa 2 phe Dân chủ và Cộng hòa. Cụ thể, ngoại trừ những bộ phận thiết yếu nhất, hầu hết công sở trong mọi bộ ngành đều phải đóng cửa, theo NBC News. Ước tính, từ 800.000 - 1 triệu viên chức buộc phải nghỉ không lương, chưa kể nhân viên hợp đồng và các nhà thầu. Hàng trăm ngàn người khác sẽ bị chậm lương. “Mọi người sẽ buộc phải dùng tiền tiết kiệm để trả hóa đơn, tiền nhà, tiền xe, tiền học hoặc trì hoãn không biết đến khi nào. Họ sẽ chịu thiệt hại nặng nề”, Tổng thống Barack Obama ngậm ngùi tuyên bố.

Theo NBC News, tất cả công viên quốc gia và nhiều điểm tham quan nổi tiếng khác như tượng Nữ thần Tự do, Viện Smithsonian hay các đài tưởng niệm đều sẽ đóng cửa, ảnh hưởng nặng nề đến du lịch. Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sẽ cho nghỉ việc gần như toàn bộ nhân viên trong khi các chương trình nghiên cứu khoa học và y tế sẽ bị trì hoãn. Bộ Tư pháp thông báo đình chỉ hầu hết các vụ án dân sự nhưng vẫn thụ lý các vụ hình sự. Các hoạt động cho vay hỗ trợ người thu nhập thấp hay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đều đình trệ. Các chuyến công du quốc tế sẽ bị hạn chế tối thiểu nhưng chưa rõ có ảnh hưởng đến kế hoạch thăm 4 nước Đông Nam Á sắp tới của Tổng thống Obama hay không.

Bên cạnh đó, luật quy định các ngành thiết yếu như kiểm soát không lưu, an ninh, quân đội, bưu chính, an toàn thực phẩm, cấp cứu và chữa bệnh vẫn duy trì hoạt động bình thường nhưng các nhân viên có nguy cơ bị chậm lương.

Thiệt hại 1 tỉ USD/tuần

Theo Bloomberg, từ năm 1977 đến nay đã có 17 lần chính phủ liên bang ngưng hoạt động. Trong đó, thời gian ngắn nhất là 1 ngày và dài nhất là 21 ngày (giai đoạn 1995 - 1996). Tuy nhiên, ảnh hưởng của lần này sẽ rất nghiêm trọng do nền kinh tế Mỹ đang chật vật hơn nhiều so với giữa thập niên 1990. Theo CNN, ước tính nền kinh tế Mỹ sẽ mất khoảng 1 tỉ USD mỗi tuần trong thời gian đầu chính phủ ngừng hoạt động và càng kéo dài thì thiệt hại càng lũy tiến. Hãng nghiên cứu tài chính Moody's Analytics cảnh báo nền kinh tế sẽ mất khoảng 55 tỉ USD nếu chính phủ tê liệt từ 3 đến 4 tuần và tăng trưởng sẽ giảm khoảng 0,9 - 1,4%. Nếu tình trạng kéo dài đến 2 tháng thì Mỹ sẽ rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Đó là chưa kể ảnh hưởng tiêu cực đối với lòng tin của giới đầu tư nước ngoài. Chưa hết, nếu nền kinh tế lớn nhất thế giới “chết máy” quá lâu thì sẽ gây tác động xấu cho toàn cầu như cảnh báo ngày 1.10 của Thủ tướng Anh David Cameron.

Chưa hết, tuy ông Obama và Lầu Năm Góc khẳng định các hoạt động quân sự của Mỹ tại các khu vực xung yếu sẽ duy trì bình thường nhưng AFP dẫn lời chính Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel thừa nhận “tình trạng hoang mang trong nước sẽ khiến Mỹ mất thể diện và uy danh trong mắt các đồng minh và trên toàn thế giới”.

Nguy cơ vỡ nợ

Lý do khiến chính phủ Mỹ rơi vào tình trạng trên là cuộc đấu tại quốc hội Mỹ mà như giới truyền thông mô tả là “hai người trừng mắt nhìn nhau xem ai chớp mắt trước”. Trong suốt nhiều tuần, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện (nằm trong tay đảng Dân chủ) liên tục bác bỏ dự luật ngân sách của nhau. Mấu chốt của mọi bất đồng là luật cải cách y tế do Tổng thống Obama đề xuất (luật Obamacare). Tuy quốc hội đã thông qua từ lâu nhưng đảng Cộng hòa liên tục tìm cách trì hoãn áp dụng, hạn chế quy mô hoặc giảm ngân sách chi cho đạo luật.

Đến hôm qua, hai bên vẫn tiếp tục chỉ trích và đổ lỗi cho nhau. AFP dẫn lời lãnh đạo phe đa số trong Thượng viện Harry Reid cáo buộc phe Cộng hòa “thiếu cân nhắc” và “khiến cả nước nhận một cú đòn không cần thiết”. Đáp lại, Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố Thượng viện “quá cao ngạo” và Tổng thống Obama “không chịu đàm phán chân thành”. Bất chấp những lời kêu gọi mau chóng giải tỏa bế tắc từ giới lãnh đạo doanh nghiệp, AFP dẫn lời một trợ lý của thượng nghị sĩ Reid khẳng định nếu Hạ viện vẫn muốn “phá rối” Obamacare thì sẽ không có đàm phán nào cả.

Theo giới quan sát, đây chỉ là giọt nước tràn ly trong cuộc giằng co giữa 2 đảng trong suốt thời gian cầm quyền vừa qua của ông Obama. Nhưng mọi bộ luật đều phải được thông qua ở cả hai viện nên phe Cộng hòa luôn có công cụ để gây khó khăn cho tổng thống và đảng Dân chủ. Ngoài những khác biệt về tư tưởng, phe Cộng hòa quyết tâm chống Obamacare còn vì đây được coi là một trong những thành tựu cầm quyền có ý nghĩa lịch sử của ông Obama.

Dư luận Mỹ đang rất tức giận với các chính trị gia. Những câu như “Tôi rất xấu hổ với nhà nước này và đã chán nghe các ông đổ lỗi cho nhau lắm rồi” xuất hiện dày đặc trên internet trong ngày 1.10. CNN công bố kết quả khảo sát cho thấy 69% số người được hỏi cho rằng các nghị sĩ quốc hội hành xử như “bọn trẻ được nuông chiều quá mức” trong khi 58% nói phe Dân chủ cũng cùng một giuộc.

Bên cạnh đó, một số chuyên gia còn cảnh báo rằng nếu hai bên tiếp tục không ai nhường ai thì Mỹ sẽ phải đối mặt với mối đe dọa còn nghiêm trọng hơn việc đóng cửa chính phủ. Đó là thời hạn nợ công chạm trần đã đến gần nhưng các nỗ lực thương thuyết để nâng mức trần 16.700 tỉ USD vẫn chưa đi đến đâu. Theo AFP, nếu không sớm đạt thỏa thuận trước giữa tháng 10 thì nước Mỹ sẽ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.

Ngoại giao đoàn Mỹ ở Việt Nam vẫn hoạt động

Theo thông báo trên website Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, cơ quan này và Tổng lãnh sự quán tại TP.HCM sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi có chỉ thị khác. Các dịch vụ cấp thị thực vẫn tiếp tục cho đến khi có thông báo mới. Trước đó, Bộ Ngoại giao cảnh báo hoạt động lãnh sự tại nước ngoài chỉ được duy trì chừng nào nguồn ngân sách dự phòng còn đủ hỗ trợ.

Hậu quả khó ngờ

Theo trang tin Business Insider, lần ngưng hoạt động 1995 - 1996 là một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ bê bối tình dục chấn động của Tổng thống Bill Clinton với thực tập sinh Monica Lewinsky. Khi đó, vì Nhà Trắng phải cho nhiều nhân viên nghỉ việc và dùng thực tập sinh lấp chỗ trống nên cô Lewinsky mới có cơ hội tiếp xúc với ông Clinton nhiều hơn, dẫn đến “mỡ treo miệng mèo”. Tuy nhiên, điều này sẽ không lặp lại lần thứ hai, không chỉ nhờ định lực của ông Obama tốt hơn mà còn do Nhà Trắng đã quyết định không cho phép thực tập sinh làm việc trong khi chính phủ ngừng hoạt động, theo tờ The Hill.

Thụy Miên

>> Nhà Trắng tiết lộ 'bằng chứng vũ khí hóa học' ở Syria
>> Nhà Trắng bác bỏ “vùng không súng” quanh tổng thống
>> Chính phủ Mỹ đóng cửa hồi năm 1995 đã 'giúp' Bill Clinton ngoại tình?
>> Chính phủ Mỹ đóng cửa, quân đội sẽ bị đồng minh nghi ngờ uy tín
>> Vụ chính phủ Mỹ đóng cửa: Hạ viện đổ lỗi cho Thượng viện
>> Ông Obama nói quốc hội 'không làm tròn trách nhiệm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.