Chính khách chơi blog

19/12/2009 18:13 GMT+7

Đôi khi lang thang trên mạng, bạn bất ngờ chạm mặt với một chính trị gia nổi tiếng. Bạn ồ lên: thì ra họ cũng vi vu trên thế giới ảo như mình! Mời nghe đọc bài

“Chúc mừng thủ quân Shane Doan của đội Coyotes đấu trận thứ 1.000 vào đêm nay. Coyotes đang chơi cực hay! Chúc may mắn!”. Coyotes ở đây là Phoenix Coyotes, đội khúc côn cầu trên băng của thành phố Glendale, tiểu bang Arizona ở miền tây nam nước Mỹ. Người đưa ra lời chúc là thượng nghị sĩ John McCain, một chính trị gia rất nổi tiếng, vừa tranh cử tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.

Không phải trên báo chí, truyền hình, không phải tại website thượng nghị sĩ, ngài McCain đã chọn trang Twitter cá nhân để gửi đi lời chúc. Lời chúc này hẳn nhiên có nhiều ý nghĩa. Ông đang đại diện cho tiểu bang Arizona ở Quốc hội. Phoenix Coyotes vì thế là đội bóng quê nhà của ông. Cổ vũ cho Coyotes cũng là cách để đại biểu McCain xích gần lại với cử tri.

Thượng nghị sĩ McCain đã quá 70 tuổi, nhưng tâm hồn công nghệ của ông lại như một chàng trai mới lớn. Ông “xây nhà” trên Twitter đã lâu. Bất cứ lúc nào rảnh ông lại dùng điện thoại di động, máy tính để “tweet” một thông điệp ngăn ngắn lên. Chính sự có, tán gẫu có. Cử tri qua đó thấy vị công bộc của họ rất gần gũi. Đến nay, số người theo đuổi (follower) trên trang của ông McCain đã hơn 1,6 triệu. Vậy là ngôi sao chính trường McCain cũng đã trở thành ngôi sao trên mạng.

Ông McCain không phải là trường hợp chính trị gia hiếm hoi khoái “vọc net”. Hãng tin Bernama mới đây cho biết Thủ tướng Najib Tun Razak của Malaysia, dù bận như ong thợ, vẫn chăm chỉ cập nhật trên các mạng Facebook và Twitter để bảo đảm rằng người hâm mộ, bạn bè ông cũng như công dân mạng có thể liên lạc với ông thường xuyên. Thông điệp của ông thường nhẹ nhàng, vui vui: “Vừa kết thúc cuộc ghi hình đặc biệt. Bây giờ đang ăn trưa với món cơm gà”. Mới đây nhất, khi đang dự Hội nghị Copenhagen ở Đan Mạch, ông viết trên Twitter: “Tôi được báo tin là đội tuyển bóng đá Malaysia vô địch SEA Games”. Tiếp đó ông “tweet”: “Phát biểu xong rồi, giờ trở về khách sạn để trả lời phỏng vấn tờ The Economist thôi”.

Láng giềng của ông Razak, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cũng đã lập cơ ngơi trên Facebook để giao lưu với giới trẻ. Đối thủ chính trị của ông là thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra cũng không chịu kém cạnh với một trang cá nhân trên Facebook được đông đảo dân mạng chú ý. Tại Pháp, Thủ tướng Francois Fillon từ lâu đã được biết đến như là một blogger chăm chỉ.

Không cưỡng lại với xu hướng chung, hồi giữa tháng 7, Thủ tướng Úc Kevin Rudd cũng đã khởi tạo blog. Báo SMH dẫn lời vị thủ tướng xứ chuột túi: “Tôi quyết định khởi động sự nghiệp blog để bàn về biến đổi khí hậu”. Sự kiện này được dân chúng chào đón. Một blogger nổi tiếng tên là Erica Bartel nhận xét: “Ông thủ tướng mà tương tác trực tiếp với dân chúng thế này là rất tốt”.

Sự phát triển mạnh mẽ của các phương tiện giao tiếp trực tuyến trong khoảng một thập niên trở lại đây đã tạo ra hấp lực lớn đối với chính giới. Ông Barack Obama đã sử dụng điện thoại di động và các phương tiện internet để tranh cử tổng thống Mỹ. Nhiều vị thủ tướng, bộ trưởng châu u cũng dùng blog để giải tỏa nỗi lòng, trình bày quan điểm hay đơn giản là chát chít cho vui.

Dù nội dung nghiêm túc hay vui vẻ, thì chuyện chính trị gia lên mạng không đơn thuần là trò tiêu khiển. Khi McCain chúc cho đội bóng Phoenix Coyotes ở quê nhà Arizona chiến thắng, ấy là lúc ông thắt chặt thêm sợi dây kết nối giữa một đại biểu quốc hội và những cử tri mà ông đại diện. Khi Thủ tướng Najib Tun Razak kể về buổi ghi hình cũng như bữa trưa với món cơm gà, ấy là lúc ông đến gần người dân Malaysia hơn.

Trong thời đại các phương tiện giao tiếp công nghệ cao phát triển như vũ bão, giới lãnh đạo cần thiết phải hòa mình vào đó. Không đơn giản là vi hành để biết được tình hình dân chúng như cách mà vua quan ngày trước thi thoảng vẫn làm, hòa mình vào thế giới mạng cho thấy nhà lãnh đạo đang thực sự sống trong thời đại này, đang bắt kịp xu hướng thời đại. Hòa mình vào đó, nhà lãnh đạo sẽ gần dân hơn, và người dân cũng cảm thấy gần gũi nhà lãnh đạo hơn. Nhà lãnh đạo lúc này là một công dân mạng, bình đẳng với những công dân mạng khác, không phải là quan chức đứng trên cao. Nhà lãnh đạo lúc này, như lời người hiền thuở trước, không tìm sự cô đơn ở trên cao như cái cây, mà chan hòa cùng đám đông như ngọn cỏ dưới đất. Hòa mình vào đó, nhà lãnh đạo sẽ thấy lợi ích vĩ đại của internet, của các mạng xã hội, để thấy rằng đó là trào lưu mà không ai có thể cưỡng lại hoặc ngăn cản.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.