Chiến hạm Mỹ bị cháy tạo ra hệ quả có lợi cho Trung Quốc?

Văn Khoa
Văn Khoa
21/07/2020 15:53 GMT+7

Giới phân tích cho rằng vụ cháy tàu tấn công đổ bộ USS Bonhomme Richard có thể tạo ra hậu quả lâu dài cho hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ trong bối cảnh nước này có căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông.

Giới chức hải quân Mỹ cho hay đám cháy trên tàu USS Bonhomme Richard được dập tắt hôm 16.7 sau 4 ngày bùng phát. Nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được điều tra và mức độ thiệt hại vẫn chưa rõ.
Tuy nhiên, tác động lâu dài của vụ này là đáng kể. CNN chỉ ra tàu USS Bonhomme Richard, như là một tàu sân bay nhỏ, đang được nâng cấp để có thể cho một số chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-35B hoạt động. Sau khi được nâng cấp, tàu USS Bonhomme Richard sẽ trở thành một trong 4 tàu duy nhất của Hạm đội Thái Bình Dương có khả năng cho F-35B hoạt động, nhưng tàu đã bị cháy.
“Khi căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông và Triều Tiên leo thang, mất mát một chiếc tàu và năng lực mà tàu này cung cấp sẽ khiến hải quân Mỹ khó đáp ứng tất cả yêu cầu tác chiến”, cựu đô đốc và nhà phân tích quân sự Mỹ John Kirby nhận định.

[VIDEO] Tàu chiến cháy qua ngày thứ 4, hải quân Mỹ nói có thể sửa chữa thiệt hại

Hiện nay, tàu USS America, tàu tấn công đổ bộ mới hơn của Mỹ có khả năng triển khai F-35, đang lấp vào khoảng trống của tàu USS Bonhomme Richard. Ngoài ra, một số chỉ huy hải quân Mỹ cho hay tàu USS Tripoli, tàu tấn công đổ bộ mới nhất của hải quân Mỹ, đã được đưa vào biên chế hôm 15.7, khi tàu USS Bonhomme Richard bị cháy.
Tuy nhiên, sự mất mát bất kỳ tàu chiến nào cũng có thể gây ra khó khăn. “Luôn luôn có hệ quả khi một tàu bất ngờ không còn hoạt động. Tàu Bonhomme Richard được cho là sẽ trở lại hạm đội vào mùa thu này, để tàu khác có thể được bảo trì và nâng cấp. Bây giờ điều đó sẽ không diễn ra. Vì vậy, nhu cầu bảo trì và nâng cấp của tàu khác sẽ bị hoãn và để lại một khoảng trống về năng lực”, ông Carl Schuster, cựu chỉ huy các chiến dịch tại Trung tâm Tình báo hỗn hợp thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương.
Tình trạng thiếu tàu và tàu bị hoãn bảo trì có thể gây ra hệ quả ngày càng nghiêm trọng, theo nhà nghiên cứu quốc phòng Timothy Heath thuộc tổ chức nghiên cứu Rand Corp (Mỹ). Ông chỉ ra: “Quân đội Mỹ sẽ phải cắt giảm hoạt động hoặc phải để các thành viên còn lại gánh tất cả nhiệm vụ. Cả hai điều này đều mang lại các nguy cơ”.
Ông Heath phân tích việc cắt giảm các hoạt động do lực lượng viễn chinh Mỹ có thể để lại những lỗ hổng trong sự hiện diện của hải quân Mỹ mà có thể bị những quốc gia như Trung Quốc lợi dụng để gia tăng các biện pháp cưỡng ép.

[VIDEO] 2 tàu sân bay Mỹ tập trận ở Biển Đông, phô diễn sức mạnh trước Trung Quốc

Còn nếu buộc các thành viên thủy thủ đoàn tiếp tục làm việc, không được nghỉ ngơi vì tàu bị hoãn bảo trì thì sẽ gây ra nguy cơ đụng tàu và những sự cố khác. “Phương án nào cũng gây thêm tổn hại cho uy tín của Mỹ trong khu vực”, ông Heath nhận định. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.