Chiến dịch bàn tay sắt xứ Ả Rập

Bảo Vinh
Bảo Vinh
09/03/2020 08:13 GMT+7

Chỉ trong một đêm, lần lượt 3 hoàng thân một thời quyền lực của Ả Rập Xê Út bị bắt giam vì nghi ngờ âm mưu đảo chính.

Truyền thông phương Tây loan tin giới chức an ninh Ả Rập Xê Út đã bắt giữ hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz al-Saud, cựu thái tử Mohammed bin Nayef và em trai Nawaf bin Nayef.

Âm mưu tạo phản ?

Tờ The Wall Street Journal hôm 7.3 dẫn các nguồn tin hoàng gia tiết lộ những người này bị cáo buộc “âm mưu tạo phản” nhằm soán ngôi của quốc vương Salman và có thể bị xử tù chung thân hoặc xử tử. Chính quyền Ả Rập Xê Út đến nay chưa bình luận gì về vụ việc.
Ông Ahmed (78 tuổi) là hoàng đệ của quốc vương Salman và từng được coi là gương mặt có thể kế vị vua anh. Tuy nhiên, mọi sự biến chuyển khi quốc vương Salman bất ngờ sắp xếp lại trật tự kế vị ngai vàng. Thay vì chuyển giao ngôi vương theo chiều ngang giữa các con trai của quốc vương Abdul Aziz al-Saud, vị vua đầu tiên của vương triều al-Saud, ông Salman đã xoay chuyển thứ tự này theo chiều dọc khi chọn cháu trai Mohammed bin Nayef làm thái tử và con trai Mohammed bin Salman làm phó thái tử vào năm 2015. Hành động này được cho chỉ là bước đệm để ông chính thức phế ngôi của ông Mohammed bin Nayef và đưa con trai lên làm thái tử chỉ 2 năm sau đó.
Theo tờ The New York Times, ông Ahmed bị bắt vào ngày 5.3 khi mới từ nước ngoài về. Cùng ngày, một nhóm người mặc đồ đen và bịt mặt mang theo vũ khí đến nơi ở của ông Nayef ở ngoại ô Riyadh để khám xét và cắt đứt hệ thống liên lạc tại đây. Ông Nayef và em trai sau đó bị đưa đi khỏi khu nhà, nơi cựu thái tử thường xuyên tiếp đón các quan chức Mỹ tới thăm.

Lường trước hiểm họa

Từ khi bước ra vũ đài chính trị, thái tử Mohammed bin Salman mạnh dạn đưa ra hàng loạt chính sách quyết liệt nhằm thay đổi cán cân quyền lực. Trong số đó nổi tiếng là vụ trấn áp sấm sét hàng loạt hoàng thân, tài phiệt nắm giữ nhiều quyền lực trong hoàng gia hồi cuối năm 2017. Theo nhận định của giới quan sát, động cơ của việc bắt giữ 3 hoàng thân lần này có thể là nước cờ nhằm triệt tiêu sức phản kháng đối với việc kế vị sắp tới của thái tử Mohammed. Bởi lẽ hoàng thân Ahmed và cựu thái tử Nayef là hai trong số ít những gương mặt có thể coi là vật cản trên con đường tiến tới ngôi vương của thái tử Mohammed. Trong bối cảnh đó, em trai của ông Nayef là Nawaf đang làm trong Tổng cục Tình báo cũng bị bắt trong động thái nhằm giảm trừ hậu họa.
Hoàng thân Ahmed là em ruột duy nhất còn sống của quốc vương Salman và vẫn là gương mặt được hoàng gia hết sức nể trọng. Tuy nhiên, ông từng đưa ra phát biểu bị coi là đả kích vua anh và cháu trai khi nói rằng quốc vương và thái tử mới là người chịu trách nhiệm cho cuộc chiến tại Yemen chứ không phải toàn bộ vương triều al-Saud. Một số nguồn tin cho rằng ông Ahmed cũng chính là một trong 3 thành viên Hội đồng Tận trung, gồm các thành viên cấp cao của vương triều, phản đối việc phong thái tử cho ông Mohammed.
Trong khi đó, ông Nayef từng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ và nắm giữ nhiều ảnh hưởng trong quân đội cũng như vệ binh quốc gia. Ông cũng được coi là đồng minh thân cận của Mỹ và có quan hệ khăng khít với các cơ quan tình báo Mỹ trong thời gian tại vị. Theo các nguồn thạo tin, sau cuộc đổi ngôi năm 2017, cựu thái tử bị giam lỏng tại nhà dù chính quyền hoàng gia bác bỏ thông tin này. Trong khi đó, truyền hình Ả Rập Xê Út chỉ phát bản tin chiếu cảnh tân thái tử Mohammed bin Salman hôn tay và quỳ xuống để tỏ lòng thành kính với người anh họ vừa bị mất ngôi.
Việc quốc vương Salman đã lớn tuổi (85 tuổi) được cho là lý do để thái tử Mohammed đẩy nhanh quá trình tiến lên ngôi vương. Theo tờ The Guardian, quốc vương Salman vẫn chủ trì cuộc họp nội các vào ngày 3.3 và tiếp đón Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đến thăm 2 ngày sau đó. Tuy nhiên, một số nguồn tin từ hoàng gia cho biết đã có nhiều đồn đoán về sức khỏe của nhà lãnh đạo trong thời gian qua. Mặt khác, lực lượng an ninh ngày 7.3 bắt đầu lập các chốt chặn trên khắp thủ đô Riyadh, làm dấy lên suy đoán về nguy cơ bất ổn sau các vụ bắt giữ cũng như việc nhường ngôi có thể sớm diễn ra. Ả Rập Xê Út dự kiến sẽ đón tiếp các nhà lãnh đạo thế giới đến dự Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11 tới. Theo giới quan sát, sự kiện này có thể là màn ra mắt hoàn hảo cho tân vương của vương quốc dầu mỏ nếu việc nhường ngôi diễn ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.