Chiến đấu cơ của Mỹ sẽ đáng sợ hơn nhờ AI

Khánh An
Khánh An
28/11/2019 08:00 GMT+7

Các tiêm kích F-35 và oanh tạc cơ chiến lược B-2 của Mỹ vốn có sức mạnh đáng gờm, nhưng trí tuệ nhân tạo sẽ giúp chúng “không thể ngăn chặn”.

Khi phát biểu tại một hội thảo về trí tuệ nhân tạo (AI) mới đây, tướng Tony Thomas, cựu chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến dịch đặc biệt Mỹ, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tự động hóa các lực lượng của quân đội.
Bên cạnh đó, ông hối tiếc về việc trong thời gian nắm quyền (từ 3.2016 - 3.2019), chưa tập trung tương xứng vào việc theo đuổi các công nghệ mới, theo chuyên trang Defense One. Trên thực tế, nắm bắt được tầm quan trọng chiến lược của việc tự động hóa, Bộ Quốc phòng Mỹ đang đẩy mạnh ứng dụng AI trên các tiêm kích F-35 và oanh tạc cơ B-2 nhằm tận dụng lợi thế của công nghệ, giúp các phi công tối ưu hóa thời gian xử lý tình huống khi tham chiến.

Phối hợp UAV 

Theo chuyên san The National Interest, lợi thế của AI có thể được tận dụng để xử lý dữ liệu nhanh, sắp xếp thông tin và thực hiện nhiều chức năng theo trình tự một cách chớp nhoáng. Trên mẫu tiêm kích F-35, AI giúp hợp nhất các cảm biến với những thông tin về điều khiển máy bay và mục tiêu để đưa ra thông tin lên màn hình của phi công mà không cần vai trò của con người.
Các chuyên gia cho rằng sắp tới, phi công điều khiển F-35 sẽ có thể dùng AI điều khiển một nhóm máy bay không người lái (UAV) bay cùng và thực hiện nhiệm vụ phán đoán, do thám và xác định mục tiêu. Hiện tại, các UAV như Predator và Reaper đều được điều khiển phối hợp từ các trạm trên mặt đất. Nếu có AI, hình ảnh trực tiếp từ cảm biến của các UAV sẽ được tổng hợp và truyền thẳng vào buồng lái F-35 mà không cần qua xử lý ở mặt đất, giúp việc xác định mục tiêu nhanh hơn nhiều.
Theo tướng không quân về hưu David Deptula - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchell (Mỹ), AI có tiềm năng rất lớn không chỉ về vũ khí mà còn về khả năng vận hành mở rộng của máy bay chiến đấu. Hiện hệ thống máy tính thông tin hậu cần tự động (ALIS) của F-35 là ứng dụng ban đầu của AI khi đánh giá, xem xét, sắp xếp các thông tin và tự đưa ra một số quyết định, trong đó có việc tự động gửi thông tin về tình trạng động cơ và các thiết bị.

Định vị mục tiêu

Trên mẫu oanh tạc cơ tàng hình B-2, bộ xử lý điều khiển bay mới sắp được trang bị sẽ giúp tăng khả năng xử lý của các thiết bị điện tử và các hệ thống máy tính lên khoảng 1.000 lần so với hiện tại.
Theo các quan chức không quân Mỹ, bộ xử lý này giúp tự động hóa các chương trình lái và tối ưu hóa các hệ thống kiểm soát bay để phi công tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ chiến đấu. Bên cạnh đó, bộ vi xử lý hiện đại giúp các hệ thống điện tử, radar, cảm biến, liên lạc nhận biết và tấn công các mục tiêu trong thời gian nhanh nhất, hiệu quả nhất và giảm thời gian oanh tạc cơ B-2 nằm trong tầm ngắm và dễ bị đối phương tấn công. Lầu Năm Góc đang phát triển thêm Hệ thống kiểm soát phòng thủ (DMS) cho oanh tạc cơ B-2, với hệ thống cảm biến giúp xác định và tự động cảnh báo phi công về vị trí phòng không của đối phương để tiến hành không kích.
AI dự báo hỏng hóc
Theo trang Defense One, lục quân Mỹ vừa thuê một công ty đưa ứng dụng AI vào việc dự báo khi nào các trực thăng, thiết giáp và những vũ khí khác của quân chủng này sẽ hỏng hóc để kịp thời duy tu, bảo dưỡng hoặc thay thế. Khi các dữ liệu được sắp xếp và đưa lên lưu trữ đám mây, phần mềm AI sẽ theo dõi và khuyến cáo trước về thời điểm nào nên kiểm tra để sửa chữa hay thay thế phụ tùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.