Chi quốc phòng toàn cầu năm 2020 tăng kỷ lục, Trung Quốc đẩy mạnh phát triển hải quân

26/02/2021 12:02 GMT+7

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho biết chi tiêu quốc phòng toàn cầu đạt mức kỷ lục vào năm 2020 bất chấp đại dịch Covid-19 gây suy thoái kinh tế, một phần là vì sự phát triển của hải quân Trung Quốc .

Báo cáo "Military Balance" (Cán cân quân sự) của IISS (Anh) ngày 25.2 cho biết chi tiêu quốc phòng toàn cầu đạt 1.800 tỉ USD vào năm 2020, tăng 3,9% so với số liệu của năm 2019, theo AFP.
IISS đánh giá chi tiêu quốc phòng vẫn tăng "bất chấp đại dịch Covid-19 bùng phát dẫn đến sự suy giảm sản lượng kinh tế toàn cầu".
Mỹ vẫn là quốc chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới vào năm 2020, với ngân sách 738 tỉ USD, tức chiếm hơn 40% trong tổng số 1.800 tỉ USD trên toàn cầu, theo IISS.
Trong khi đó, Trung Quốc là 193,3 tỉ USD, chiếm 10,6% toàn cầu. IISS đánh giá chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc là nguyên nhân thúc đẩy tăng trưởng chi tiêu quốc phòng tổng thể của châu Á vào năm 2020. IISS đồng thời nhấn mạnh sự phát triển ồ ạt của hải quân Trung Quốc nhằm phục vụ tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Xu hướng tăng chi tiêu quốc phòng của châu Á tiếp tục diễn ra vào năm 2020 nhưng với tốc độ hơi chậm hơn một ít so với năm 2019. "Một số quốc gia châu Á điều chỉnh chi tiêu quốc phòng để dành nguồn ngân sách cứu trợ Covid-19 hoặc kích thích kinh tế", IISS lưu ý.
Còn ở châu Âu, IISS cho biết tổng chi tiêu quốc phòng của châu lục này đã tăng 2% vào năm 2020.
Các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu cũng tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm kể từ năm 2014 vì mối đe dọa từ Nga sau vụ Crimea bỏ phiếu ly khai Ukraine, sáp nhập Nga và chiến sự miền đông Ukraine bùng nổ, theo IISS.
Tuy nhiên, hầu hết thành viên NATO vẫn còn xa mục tiêu dành 2% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) cho quốc phòng vào năm 2024. Trong năm 2020, chỉ 9 thành viên NATO ở châu Âu đạt được mục tiêu này, bao gồm Anh, Pháp, Đức và Ý.
Riêng năm 2019, thế giới chứng kiến mức tăng chi tiêu quân sự lớn nhất trong vòng 1 thập niên qua, với mức tăng trưởng 4%, được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh giữa các cường quốc và cuộc chạy đua công nghệ vũ khí mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.