Chạy đua vũ khí trí tuệ nhân tạo

15/06/2018 07:56 GMT+7

Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua phát triển những loại vũ khí tự động sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo.

Thời gian gần đây, các quan chức quốc phòng cũng như giới truyền thông Mỹ lẫn Trung Quốc liên tục tung ra nhiều thông tin về các chương trình phát triển vũ khí tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) có thể suy nghĩ, xử lý dữ liệu khổng lồ với tốc độ cực nhanh và tự ra quyết định tấn công các mục tiêu.
Reuters dẫn lời nguồn tin giấu tên từ Nhà Trắng tiết lộ chính quyền Tổng thống Donald Trump đề xuất tăng gấp 3 lần ngân sách quốc phòng vào năm tới để đẩy mạnh chương trình phòng thủ tên lửa tự động, với chi phí ban đầu ước tính 83 triệu USD (1.866 tỉ đồng). Trong đó, Lầu Năm Góc phát triển và thử nghiệm hệ thống AI có thể tự động tìm và diệt tên lửa ngay trước khi rời bệ phóng. “Với khả năng giúp mò được kim dưới đáy biển của AI, việc đối phương giấu bệ phóng tên lửa đi động trong đường hầm hay rừng sâu không còn là trở ngại”, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Bob Work tuyên bố.
Theo các văn kiện về ngân sách quốc phòng Mỹ, hệ thống AI săn tên lửa chủ yếu nhằm đối phó các nguy cơ tiềm tàng từ nhóm “4+1” (tức Trung Quốc, Nga, Iran, CHDCND Triều Tiên và các tổ chức khủng bố). “Nga lẫn Trung Quốc đều đang đẩy mạnh phát triển AI với nỗ lực cao hơn so với chương trình có ngân sách vẫn còn khiêm tốn của Mỹ”, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mac Thornberry nói với Reuters. Washington dự kiến sẽ đưa vào hoạt động hệ thống AI săn tên lửa năm 2020. Ngoài ra, Lầu Năm Góc xác nhận đang sử dụng AI để nhận dạng các vật thể trong những đoạn bay ghi hình từ máy bay không người lái (UAV) trong dự án mới mang tên Maven.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của công ty phân tích tình báo quốc phòng Jane’s HIS Markit trình lên quốc hội Mỹ cảnh báo Trung Quốc có thể vượt qua nước này về lĩnh vực AI. Theo tờ PLA Daily của Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc, nước này đang theo đuổi nhiều loại vũ khí AI như xe tăng, tàu ngầm, tàu chiến, chiến đấu cơ, máy bay ném bom và UAV. Bên cạnh đó, AI còn được dùng trong phát triển tên lửa để đảm bảo qua mặt hệ thống radar của đối phương. Đáng chú ý là truyền thông Trung Quốc hồi cuối tháng 5 đăng tải đoạn phim cho thấy 56 chiếc xuồng robot cỡ nhỏ vận hành thử nghiệm dàn đội hình theo chiến thuật “bầy đàn” ở Biển Đông. Theo đoạn phim, nếu được trang bị vũ khí, “bầy” xuồng robot có thể bám đuôi, bao vây và tấn công các tàu chiến đắt đỏ cỡ lớn.
Tờ Asia Times dẫn lời tiến sĩ Steven Walker, Giám đốc Cơ quan Dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) thuộc Lầu Năm Góc cảnh báo dù phát triển tới đâu thì AI vẫn không thể thay thế quyết định và khả năng đánh giá tình huống của con người do có nguy cơ bị quân địch dùng chính công nghệ này để đánh lừa. Bằng chứng là một nhóm sinh viên Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) từng làm thí nghiệm cho thấy họ dễ dàng khiến cho hệ thống nhận dạng vật thể của Google bị “bối rối” và nhận lầm một khẩu súng trường là món đồ chơi. Mặt khác, các chuyên gia của Tổ chức Nghiên cứu chính sách công Rand Corporation cho rằng Nga và Trung Quốc cũng đang phát triển công nghệ nhằm lừa hệ thống AI săn tên lửa của Mỹ. Chính vì thế, người đứng đầu Bộ Tư lệnh chiến lược Mỹ John Hyten nhấn mạnh Lầu Năm Góc phải có biện pháp nhằm đảm bảo con người kiểm soát quy trình ra quyết định tấn công hạt nhân, chứ không phải những cỗ máy AI.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.