Chạy đua phân phối vắc xin Covid-19

Khánh An
Khánh An
16/01/2021 06:00 GMT+7

Phương Tây, Nga và Trung Quốc tăng tốc phân phối vắc xin Covid-19 trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid-19.

Reuters hôm qua 15.1 dẫn lời Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho hay cơ quan y tế nước này sắp đưa ra “câu trả lời rõ ràng” trong vài ngày tới về việc sử dụng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc trong tiêm chủng đại trà. Chính phủ Hungary đã đạt thỏa thuận mua vắc xin của Hãng Sinopharm và sắp trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên chấp nhận vắc xin của Trung Quốc.

Đường đua nhiều lựa chọn

Các nhà khoa học một số nước phương Tây cho rằng Trung Quốc không minh bạch về dữ liệu thử nghiệm lâm sàng và tỷ lệ hiệu quả của vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đang phát triển vẫn xem vắc xin Trung Quốc là đủ hiệu quả, giúp Bắc Kinh giành lợi thế trong cuộc đua cung cấp vắc xin Covid-19 trên thế giới.
Trong bối cảnh các hãng dược phương Tây chưa thể đáp ứng nhu cầu, Trung Quốc đã cung cấp hàng triệu liều CoronaVac của Hãng Sinovac Biotech trên khắp thế giới, đồng thời đẩy mạnh tiếp thị vắc xin của Hãng Sinopharm.

Diễn biến phức tạp

Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) Trung Quốc hôm qua cho hay nước này ghi nhận 144 ca mắc Covid-19 trong ngày 14.1, đánh dấu số ca nhiễm/ngày cao nhất kể từ ngày 1.3.2020. Dự báo số ca nhiễm Covid-19 mới ở Hà Bắc và Hắc Long Giang vẫn còn tăng, dù giới chức ở 2 tỉnh này đã phong tỏa một số thành phố.
Tại châu Âu, từ ngày 16.1, Pháp siết chặt kiểm soát biên giới và áp dụng lệnh giới nghiêm từ 18 giờ mỗi ngày, thay vì từ 20 giờ như trước. Tại Đông Nam Á, Indonesia hôm qua ghi nhận mức kỷ lục 12.818 ca mắc Covid-19. Cùng ngày, Philippines gia hạn thêm 2 tuần đối với lệnh cấm hành khách từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong tuần này, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt bắt đầu chương trình tiêm chủng đại trà CoronaVac sau khi phê chuẩn khẩn cấp và nhận được hàng triệu liều vắc xin Trung Quốc. Brazil cũng chuẩn bị tiêm chủng đại trà CoronaVac.
Trong khi đó, Nga đẩy mạnh tiếp thị vắc xin Sputnik V do nước này sản xuất đến các quốc gia đang phát triển. Đến nay, một số quốc gia như Argentina, Belarus và Serbia đã phê chuẩn khẩn cấp Sputnik V.
Ứng viên sáng giá cạnh tranh từ các nước phương Tây là vắc xin của AstraZeneca (Anh). Phiên bản của vắc xin này mang tên Covishield do Viện Huyết thanh Ấn Độ sản xuất dự kiến sẽ được tiêm chủng tại Ấn Độ từ ngày 16.1. Chính phủ Ấn Độ chỉ trả chưa đến 3 USD/liều cho 100 triệu liều đầu tiên do viện này sản xuất.

Mỹ chậm tiến độ

Với tình hình đại dịch diễn biến phức tạp tại Mỹ, Tổng thống tân cử Joe Biden đưa ra kế hoạch đẩy mạnh chủng ngừa Covid-19 sau khi nhậm chức vào ngày 20.1. “Vắc xin đem lại quá nhiều hy vọng, nhưng tiến độ triển khai ở Mỹ đến giờ vẫn là một thất bại buồn thảm”, ông phát biểu khi công bố kế hoạch trị giá 1.900 tỉ USD nhằm đối phó đại dịch và phục hồi kinh tế.
Mỹ đã phân phối hơn 30 triệu liều vắc xin đến các bang nhưng chỉ mới tiêm 11,1 triệu liều, sau khi không đạt mục tiêu tiêm ngừa cho 20 triệu người trong năm 2020. Ông Biden cam kết rằng cả nước sẽ đạt mục tiêu tiêm ngừa 100 triệu liều trong vòng 100 ngày đầu tiên sau khi ông nhậm chức.
Tại châu Âu, theo AFP, Đan Mạch trở thành điểm sáng trong triển khai chủng ngừa Covid-19 khi quốc gia với 5,8 triệu dân này đã có 2,2% người được chủng ngừa kể từ khi bắt đầu chiến dịch vào ngày 27.12.2020. Thủ tướng Mette Frederiksen tuyên bố “thời điểm vắc xin đến đất Đan Mạch là thời điểm vắc xin được tiêm”, sau khi nước này nhanh chóng dùng hết đợt vắc xin đầu tiên của Pfizer/BioNTech và chủng ngừa cho gần 130.000 người.
Xem thêm:

Người nhiễm virus SARS-CoV-2 chỉ có thể được miễn dịch trong 5 tháng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.