Châu Âu phụ thuộc vào Thủ tướng Merkel hơn bao giờ hết

22/11/2015 18:00 GMT+7

Ngày 22.10.2015 đánh dấu 10 năm Thủ tướng Đức Angela Merkel lên nắm quyền điều hành đất nước có nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Bà Merkel giờ đây được mệnh danh là “Nữ hoàng châu Âu” sau những cuộc khủng hoảng của châu Âu.

Ngày 22.10.2015 đánh dấu 10 năm Thủ tướng Đức Angela Merkel lên nắm quyền điều hành đất nước có nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Bà Merkel giờ đây được mệnh danh là “Nữ hoàng châu Âu” sau những cuộc khủng hoảng của châu Âu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel giờ đây được mệnh danh là “Nữ hoàng châu Âu” sau những cuộc khủng hoảng của châu Âu - Ảnh: ReutersThủ tướng Đức Angela Merkel giờ đây được mệnh danh là “Nữ hoàng châu Âu” sau những cuộc khủng hoảng của châu Âu - Ảnh: Reuters
Bà Merkel (61 tuổi) đã đưa ra quyết định được cho là tiên phong về việc đón tiếp người tị nạn trong cuộc khủng hoảng dân tị nạn đến châu Âu, đối sách của Liên minh châu Âu (EU) trước tình hình xung đột ở miền đông Ukraine và giúp giữ Hy Lạp trong khối eurozone (khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu), theo AFP.
Trong nhiều năm qua, người Hy Lạp đã đốt hình nộm bà Merkel và các quốc gia Đông Âu lên tiếng chỉ trích bà Merkel về làn sóng người tị nạn, nhưng sự thống lĩnh của Đức về mặt kinh tế ở châu Âu cùng với những động thái được cho là “yếu ớt” của các lãnh đạo châu Âu đã giúp bà Merkel không có đối thủ và được mệnh danh là “Nữ hoàng châu Âu”, theo AFP.
“EU chia rẽ trong khi giải quyết những cuộc khủng hoảng, và chính bà Merkel đã giúp đẩy lùi sự chia rẽ này”, bà Judy Dempsey, giám đốc tổ chức nghiên cứu chính sách Carnegie Europe, cho biết.
Theo danh sách những người quyền lực nhất thế giới năm 2015 do tạp chí Forbes (Mỹ) công bố hồi tháng 10.2015, Thủ tướng Merkel từ vị trí số 5 năm ngoái lên vị trí số 2 năm nay, qua mặt Tổng thống Mỹ Barack Obama (xếp thứ 3). Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng hàng thứ 1 trong danh sách này. Ngoài ra, tờ Economist (Anh) còn bình chọn bà Merkel là “nhân vật không thể thiếu được của châu Âu”.
Nhiệm kỳ đầu tiên của bà Merkel bắt đầu khá yên lặng khi tái xây dựng quan hệ với Washington sau khi Paris và Berlin phản đối Mỹ can thiệp quân sự vào Iraq.
Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ hai, bà Merkel thật sự đóng vai trò chủ chốt, giải quyết các vấn đề của EU. “Qua tình hình khó khăn và những cuộc khủng hoảng của EU, bà Merkel thể hiện vai trò lãnh đạo và vai trò đưa ra quyết định cho EU”, nhà nghiên cứu Janis Emmanouilidis, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu nhận định.
Bà Merkel đã có cuộc hội đàm trực tiếp với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại kỳ họp thượng đỉnh EU về vấn đề Hy Lap có nguy cơ vỡ nợ. Nhờ công của bà Merkel, vào ngày 13.7.2015, Hy Lạp thoát nguy cơ vỡ nợ sau khi các lãnh đạo khối eurozone trải qua 17 giờ đàm phán thâu đêm. Các nước EU đồng ý viện trợ thêm cho Hy Lạp trên 80 tỉ euro để tránh bị vỡ nợ và phải ra khỏi khối eurozone, với điều kiện Athens phải có kế hoạch cải tổ sát sao theo yêu cầu “các chủ nợ”.
Về vấn đề Ukraine, bà Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande đã đến thủ đô Minsk (Belarus) để đàm phán với các bên, trong đó có Tổng thống Putin về thỏa thuận ngừng bắn tại miền đông Ukraine hồi tháng 2.2015.
Theo AFP, bà Merkel được đánh giá là người phụ nữ bậc thầy về đàm phán với các nam chính trị gia và bà được cho là lãnh đạo châu Âu duy nhất mà ông Putin tôn trọng. Nhưng có lẽ bà Merkel thể hiện sự kiên quyết của mình nhiều nhất là khi xử lý cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp tại thành phố Hannover, Đức năm 2013 - Ảnh: Reuters
AFP cho hay trong khi các lãnh đạo châu Âu bị “tê liệt” trước cuộc khủng hoảng làn sóng hàng ngàn người tị nạn Syria đổ đến châu Âu, bà Merkel đã khiến thế giới ngạc nhiên khi bất ngờ tuyên bố Đức hoan nghênh tất cả người tị nạn Syria.
Tuy nhiên, các nước Đông Âu cáo buộc bà Merkel mở đường cho người tị nạn đi qua nước họ để đến Đức. Thủ tướng Hungary Viktor Orban là người lên án mạnh mẽ nhất, phản đối quyết định của bà Merkel về người tị nạn Syria.
Quyết định bất ngờ này của Thủ tướng Merkel khiến các nhà phân tích nhớ lại khoảnh khắc bà đưa ra quyết định loại bỏ việc sử dụng năng lượng hạt nhân sau sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima do trận động đất - sóng thần hồi năm 2011 ở Nhật Bản.
Bà Dempsey nhận định rằng quyết định của Thủ tướng Merkel về người tị nạn là “một sự tính toán sai lầm bất thường”, “quan điểm nhân đạo là cực kỳ quan trọng, nhưng bà Merkel không có kế hoạch chiến lược nào cho những ngày sau quyết định”. Và tỉ lệ cử tri ủng hộ bà Merkel cũng có phần sụt giảm vì quyết định của bà.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng một khi bà Merkel còn cầm quyền, trật tự châu Âu vẫn phải phụ thuộc vào sự lãnh đạo của bà hơn bao giờ hết, theo AFP.
Một EU chia rẽ về mặt chính trị và kinh tế ngày càng phụ thuộc vào định hướng từ Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, các nhà phân tích nhận định.
Ông Emmanouilidis cho rằng EU không thể thiếu Đức vì “Đức là cường quốc không thể thay thế được, dù cho bất kỳ ai lãnh đạo thì Berlin vẫn giữ vai trò đứng đầu châu Âu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.