Châu Á giữa mối lo từ du khách Trung Quốc

22/05/2018 07:06 GMT+7

Các nước châu Á lo ngại du khách Trung Quốc dù mang đến lợi ích kinh tế nhưng lại đe dọa môi trường và trở thành công cụ chính trị.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới của LHQ, du khách Trung Quốc chi 258 tỉ USD (5,8 triệu tỉ đồng) trong năm 2017, chiếm 1/5 tổng doanh thu ngành du lịch toàn cầu. Tổng cộng 130,5 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài, tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước.
Công cụ quyền lực mềm
Trung Quốc xem du lịch là công cụ quyền lực mềm. Bất kỳ nơi nào công dân nước này đặt chân đến, sức ảnh hưởng càng sâu rộng
Ông Wolfgang Georg Arlt,
Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu về du lịch Trung Quốc
Thế nhưng, chính phủ nhiều nước nhận thấy du khách Trung Quốc có nhiều hành vi kém văn minh, xả rác gây ô nhiễm môi trường. “Họ đi đến đâu là xả rác bừa bãi đến đó, bất chấp bị nhắc nhở nhiều lần”, một quan chức ngành du lịch Bali (Indonesia) nói với tờ The Nikkei Asian Review. Ngoài Bali, nơi nào thu hút nhiều du khách Trung Quốc đều gánh chịu hậu quả môi trường, như vịnh Maya (Thái Lan) và đảo Boracay (Philippines) đã bị đóng cửa 6 tháng để dọn rác. Còn ở CH Palau, du khách Trung Quốc gây ô nhiễm nghiêm trọng đến mức chính phủ phải hạn chế chuyến bay từ nước này.
Ngoài ra, chính phủ nhiều nước lo ngại Trung Quốc lợi dụng du lịch làm công cụ gây sức ép chính trị hoặc trả đũa kinh tế. Giám đốc Tổ chức Nghiên cứu về du lịch Trung Quốc (COTRI) Wolfgang Georg Arlt nhận định: “Bắc Kinh xem du lịch là công cụ quyền lực mềm. Bất kỳ nơi nào công dân nước này đặt chân đến, sức ảnh hưởng càng sâu rộng”.
Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên rút ra bài học. Quan hệ Seoul - Bắc Kinh xấu đi kể từ tháng 3.2017 do Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc. Để trả đũa, chính quyền Trung Quốc buộc các công ty không được bán tour đến Hàn Quốc. Kết quả là tổng số du khách đến Hàn Quốc năm 2017 giảm 22,7%, xuống còn 13,3 triệu lượt. Du khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số, sụt giảm 48%.
Tránh phụ thuộc
Trước thực trạng kể trên, chính phủ nhiều nước châu Á thay đổi chiến lược ngành du lịch, đa dạng hóa dịch vụ nhằm tránh phụ thuộc Trung Quốc, theo tờ Asia Times. Chẳng hạn, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đẩy mạnh “chính sách hướng nam mới”, nhắm vào du khách Đông Nam Á cùng lúc tăng cường hợp tác kinh tế - chính trị.
Hồi tháng 4, Tổng thống CH Palau Tommy Remengesau tuyên bố mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng để “đón tiếp những người văn minh, có ý thức bảo vệ môi trường” và thu hút thêm du khách từ nhiều nước khác nhau. Còn ở Indonesia, Tổng thống Joko Widodo lên kế hoạch mở 10 “Bali mới”, phục vụ du khách khắp thế giới.
Riêng Thái Lan đang quyết liệt loại trừ tour giá rẻ của các công ty du lịch ủy nhiệm do người Trung Quốc làm chủ nhưng đăng ký kinh doanh ở nước này. Du khách đi tour giá rẻ phản ánh họ bị ép vào hàng quán của người Trung Quốc, nếu phản đối sẽ bị chửi rủa và trả đũa bằng cách lấy lại phòng khách sạn, theo tờ Financial Times. Sau một thời gian cho phép tour giá rẻ vì giúp mang đến nhiều du khách, chính phủ Thái kể từ cuối năm 2016 quyết định dẹp bỏ do lo ngại chúng làm xấu hình ảnh ngành du lịch, nhưng đến nay vẫn chưa triệt để.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.