Charlie Hebdo biến cậu bé tị nạn chết trên bãi biển thành kẻ tấn công tình dục

15/01/2016 17:27 GMT+7

Tạp chí Charlie Hebdo đang quay lại là điểm nóng thế giới, lần này vì bức biếm họa vẽ Alan Kurdi - cậu bé di dân nằm chết trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ làm thế giới rơi lệ - trở thành kẻ... tấn công tình dục.

Tạp chí Charlie Hebdo đang quay lại là điểm nóng thế giới, lần này vì bức biếm họa vẽ Alan Kurdi - cậu bé di dân nằm chết trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ làm thế giới rơi lệ - trở thành kẻ... tấn công tình dục.

Bức biếm họa  của Charlie Hebdo đang bị chỉ trích gay gắt - Ảnh CNN chụp báo Charlie HebdoBức biếm họa của Charlie Hebdo đang bị chỉ trích gay gắt - Ảnh CNN chụp báo Charlie Hebdo

Hồi đầu tháng 1.2016, cả thế giới vừa tưởng niệm tròn một năm ngày 11 nạn nhận thiệt mạng khi tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris (Pháp) bị tấn công khủng bố. Câu khẩu hiệu ủng hộ Charlie Hebdo “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie) vừa được giương lên một lần nữa trên khắp thế giới.

Đến giữa tháng 1, trong số ra mới nhất, Charlie Hebdo lại khiến thế giới phẫn nộ với kiểu châm biếm của mình, theo CNN ngày 14.1. Lần này, đích thân quyền tổng biên tập Laurent "Riss" Sourisseau đã vẽ bức biếm họa: 2 gã đàn ông đuổi theo 2 phụ nữ đang chạy thục mạng. Xa xa là hình ảnh cậu bé người Syria 3 tuổi Alan nằm chết úp sấp trên bãi biển Thổ Nhĩ Kỳ giữa hành trình đi tìm một chốn bình yên để dung thân của gia đình em. Tấm ảnh cậu bé Alan từng khiến cả thế giới phải rơi lệ, khiến thế giới nhìn những người tị nạn với cặp mắt cảm thông hơn và góp phần quan trọng để chính phủ các nước châu Âu mở cửa đón người di cư.
Được biết ông Sourisseau đã có mặt trong tòa soạn khi vụ khủng bố làm rúng động cả thế giới xảy ra.
Quay lại với tấm ảnh biếm họa, nó được đặt tên là Người nhập cư, bên dưới có dòng chữ: “Aylan bé bỏng nếu lớn lên thì sẽ ra sao nhỉ? Một kẻ sờ soạng ở Đức”. (Aylan là cái tên đầu tiên được dùng với cậu bé trên báo chí, nhưng sau đó bố cậu bé đã đính chính lại tên chính xác là Alan).
Tấm ảnh đã giúp đưa cả triệu người di cư sang châu Âu - Ảnh: Reuters

Bức biếm họa gây tranh cãi của Charlie Hebdo xuất hiện trong bối cảnh nước Đức đang lại tiếp tục chia rẽ về việc tiếp nhận người nhập cư sau khi xảy ra hàng loạt vụ cướp bóc, tấn công tình dục trong dịp năm mới, trong đó rất nhiều nạn nhân mô tả thủ phạm là người có ngoại hình Bắc Phi và Ả Rập. Sự cố này kích động một làn sóng chống nhập cư vốn âm ỉ ở châu Âu - cụ thể là Đức - sau cái nhìn thiện cảm mà cái chết của cậu bé đáng thương 3 tuổi đã mang lại.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, người ta đang căm phẫn trước cách đùa khó có thể chấp nhận của tờ tạp chí chuyên gây sốc Charlie Hebdo, gọi đó là một sự sỉ nhục mang màu sắc kỳ thị chủng tộc. Thậm chí, nhiều người còn cảm thấy tiếc vì đã bày tỏ sự đoàn kết với Charlie Hebdo trong dịp tưởng niệm một năm vừa qua.
Lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ tấn công vào tòa soạn Charlie Hebdo chỉ mới diễn ra - Ảnh: Reuters

Nhà báo Úc Ebony Bowden gọi bức biếm họa là "sự phân biệt chủng tộc kinh tởm của Charlie Hebdo”. Cựu dân biểu Anh George Galloway thì viết trên Twitter: “Tôi tự hỏi Charlie Hebdo còn được bao nhiêu người yêu thích?”.

Charlie Hebdo là tạp chí “có bề dày” đả kích các chính khách, nhân vật nổi tiếng và cả biểu tượng tôn giáo, biếm họa cả tiên tri Mohammed của Hồi giáo. Trong những năm gần đây, tạp chí này liên tục bị những người Hồi giáo cực đoan đe dọa, tấn công mà đỉnh điểm là vụ khủng bố tại tòa soạn hồi tháng 1.2015.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.