Chán hợp nhất, muốn ly khai

17/07/2015 10:18 GMT+7

Nghị viện của cộng đồng dân Serbia (CH Srpska) ở Bosnia-Herzegovina vừa quyết định tiến hành trưng cầu dân ý về hạn chế quyền hạn của Cao ủy LHQ về Bosnia-Herzegovina và xóa bỏ Tòa án tối cao cũng như Viện Công tố Bosnia-Herzegovina.

Nghị viện của cộng đồng dân Serbia (CH Srpska) ở Bosnia-Herzegovina vừa quyết định tiến hành trưng cầu dân ý về hạn chế quyền hạn của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Bosnia-Herzegovina và xóa bỏ Tòa án tối cao cũng như Viện Công tố Bosnia-Herzegovina.
Đây được coi là bước đi đầu tiên trong quá trình tách vùng lãnh thổ của người Serbia ra khỏi thể chế nhà nước Bosnia-Herzegovina. Trong những ngày vừa qua, Mỹ và EU tìm mọi cách để ngăn cản quyết định tổ chức trưng cầu dân ý nói trên nhưng bất thành. Bốn năm trước, vùng này đã định khởi động tiến trình ly khai khỏi Bosnia-Herzegovina nhưng rồi chịu khuất phục trước sức ép của Mỹ và EU.
Lần này, bầu không khí chính trị và tâm lý người dân đã khác trước. Người Serbia ở Bosnia-Herzegovina rõ ràng càng ngày càng ngán ngẩm tình trạng bị phân biệt đối xử về tôn giáo và sắc tộc cũng như không còn tin vào triển vọng chung sống hòa bình giữa các cộng đồng sắc tộc và tôn giáo ở Bosnia-Herzegovina. Họ cho rằng cơ hội ly khai đã đến và điều kiện đã chín muồi, với triển vọng thành công không phải nhỏ.
Khi xưa, Mỹ, NATO và EU thúc đẩy Kosovo ly khai khỏi Serbia nhưng hiện lại không thể không lo ngại về khả năng CH Srpska ly khai khỏi Bosnia-Herzegovina. Vì đã ủng hộ Kosovo ly khai nên giờ họ không thể dùng quân sự ngăn cản người Serbia ở Bosnia-Herzegovina ly khai.
Về phương diện pháp lý, CH Srpska có thể ly khai để trở thành quốc gia độc lập như Kosovo. Một khi người Serbia ở Bosnia-Herzegovina ly khai thì không chỉ bản đồ địa lý và hành chính của châu Âu phải được vẽ lại mà còn cả cục diện quan hệ chính trị trên châu lục thay đổi, khu vực này lại trở nên sôi động và sẽ có không ít chuyện đã qua trong lịch sử lại được khơi dậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.