Cấu trúc bí ẩn của vũ trụ đã lộ diện

23/10/2019 08:00 GMT+7

Lần đầu tiên các nhà thiên văn học trái đất đã tìm ra chứng cứ về sự tồn tại của lưới vũ trụ. Đây là hệ thống mà theo các chuyên gia đóng vai trò nền tảng, kết nối toàn bộ vũ trụ.

Lưới vũ trụ là cấu trúc bí ẩn, được dệt nên từ các sợi vật chất tối. Sự tồn tại của nó cho phép xây dựng các giả thuyết liên quan đến quy trình hình thành và tiến hóa của các thiên hà kể từ sau sự kiện Big Bang.
Thế nhưng, lưới vũ trụ lâu nay vẫn vô hình trước con người, cho đến mới đây, theo báo cáo trên chuyên san Science, cấu trúc bí ẩn của vũ trụ đã lộ diện lần đầu tiên trong lúc các nhà khoa học tập trung quan sát chòm sao Bảo Bình bằng kính viễn vọng cực lớn của Đài thiên văn Nam Âu (E-ELT, ESO).

Cụm thiên hà SSA22

Các cụm thiên hà là những cấu trúc được kết nối chặt chẽ nhất bằng lực hấp dẫn trong vũ trụ, và có thể chứa đến hàng trăm hoặc hàng ngàn thiên hà. Dựa trên các mô hình máy tính, giới thiên văn học dự đoán có hơn 60% khối lượng hydrogen hình thành trong sự kiện Big Bang đã phát tán thành những sợi khí siêu dài, giăng ngang dọc các thiên hà và dệt nên lưới vũ trụ.
Tại vị trí của một cụm thiên hà cổ đại, được đặt tên SSA22, cách trái đất khoảng 12 tỉ năm ánh sáng, họ phát hiện một tấm lưới khổng lồ, được dệt bằng những sợi khí hydrogen mỏng manh và vượt xa phạm vi của cụm thiên hà này.
Nhờ vào thông tin do E-ELT cung cấp, đội ngũ chuyên gia có thể tìm ra các sợi khí liên kết các thiên hà vô cùng yếu ớt, bao quanh những thiên hà trẻ thuộc nhóm thiên hà sinh sau đẻ muộn của cụm SSA22.
Phát hiện trên đã giúp củng cố giả thuyết cho rằng khí hydrogen hình thành trong sự kiện Big Bang đã dệt thành mạng lưới gồm nhiều sợi hydrogen đan chéo chằng chịt khắp vũ trụ. Tại những điểm giao nhau giữa các sợi này, những thiên hà bắt đầu hình thành và liên tục được bơm thêm khí hydrogen để phát triển.

[VIDEO] Hiếm thấy: Lỗ đen xé toạc ngôi sao "vắn số"

Cái nôi của thiên hà và hố đen

Các kết quả quan sát mới nhất cho thấy những nút giao nhau của các sợi khí khổng lồ là cái nôi chứa những siêu hố đen và nhiều thiên hà với tốc độ “đẻ” sao cực nhanh. Trưởng nhóm Hideki Umehata, nhà thiên văn học của Đại học Tokyo (Nhật Bản), khẳng định đây là minh chứng về sự tồn tại của lưới vũ trụ và tác dụng của nó trong việc đã tạo nên cấu trúc vũ trụ mà chúng ta thấy được ngày nay.
Đồng tác giả, Giáo sư Michele Fumagalli, nhà vật lý học thiên thể của Đại học Durham (Anh), vui mừng nhận xét: “Chúng tôi cuối cùng đã tìm ra cách vẽ nên bản đồ về lưới vũ trụ và tiến tới tìm hiểu vai trò của chúng trong việc điều phối sự hình thành của các siêu hố đen và thiên hà”.
“Việc quan sát các cấu trúc mỏng manh nhất và lớn nhất trong vũ trụ là chìa khóa cho sự hiểu biết về vũ trụ, chẳng hạn nó tiến hóa như thế nào, cũng như xác định được cách thức các thiên hà phát triển và trưởng thành”, theo tờ The Guardian dẫn lời một thành viên của nhóm nghiên cứu là nhà vật lý học thiên thể Erika Hamden của Đại học Arizona (Mỹ).

[VIDEO] Giây phút lịch sử công bố hình ảnh đầu tiên của hố đen vũ trụ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.