Cao ốc xanh

04/04/2010 10:47 GMT+7

(TNTT>) Tận dụng năng lượng gió để giảm sử dụng năng lượng truyền thống là mục tiêu của nhiều công trình xây dựng trên thế giới.

Biến đổi khí hậu, sự phá hủy tầng ozone, cạn kiệt tài nguyên năng lượng đang là mối bận tâm của nhân loại. Nhà cao tầng là sản phẩm của khoa học, công nghệ và chúng sử dụng không ít năng lượng. Trong bối cảnh đó, trào lưu kiến trúc xanh (green building), hay còn gọi là kiến trúc sinh thái (eco-architecture) xuất hiện và đang ngày càng phổ biến trên thế giới. Đặc điểm chính của trào lưu này là gắn bó và sử dụng triệt để năng lượng tự nhiên phục vụ cho công trình.

Từ “Dao cạo” Anh

Thủ đô London của nước Anh sẽ có một tòa nhà chọc trời được mệnh danh là công trình duy nhất hiện nay được xây dựng kèm theo các turbine gió. Tòa nhà có tên gọi là tháp Strata hay The Razor (Dao cạo). Ba turbine trên nóc tòa nhà có thể giải quyết 8% nhu cầu sử dụng năng lượng bên trong tòa nhà 42 tầng.

Trước đây, chúng ta đã biết đến những cao ốc được lắp turbine gió, điển hình là tháp Trung tâm thương mại thế giới tại Bahrain. Tuy nhiên, Strata lại là tòa tháp đầu tiên trực tiếp tích hợp các turbine bên ngoài mặt tiền. Tòa tháp có kiến trúc rất phức tạp và được xây dựng rất kỳ công bởi đội ngũ của công ty Brookfield Europe do phải đối mặt với những cơn cuồng phong rất mạnh trên cao.

Năng lượng gió ở VN

Kết quả điều tra sơ bộ của Bộ Công thương cho thấy, 8,6% diện tích đất của Việt Nam được đánh giá là những vùng có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng gió, nhất là các tỉnh phía Nam, ước tính sản lượng vào khoảng trên 1.780MW. Riêng tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh và Sóc Trăng, tổng công suất khai thác ước tính có thể lên tới 800MW. Theo đánh giá của giới khoa học, tiềm năng gió của Việt Nam (trên độ cao 65 mét) ước đạt 513.360MW, lớn hơn 200 lần công suất nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 10 lần tổng công suất dự báo của ngành điện vào năm 2020. Tuy nhiên, đây mới chỉ là tiềm năng lý thuyết, trên thực tế sản lượng có thế khai thác được sẽ ít hơn nhiều.

Mỗi turbine với công suất 19KW sẽ có 5 cánh quạt thay vì 3, thiết kế này giúp giảm tiếng ồn trong quá trình vận hành. Trong khi đó, một bộ chân đế nặng 5 tấn kết hợp với hệ thống chống rung sẽ giữ cho tòa tháp an toàn và ổn định trên mặt đất. Ngoài ra, Strata cũng tự hào là tòa cao ốc "xanh" với các giải pháp như sử dụng hệ thống thông gió tự nhiên, lắp đặt các tấm kính hiệu suất cao, và các biện pháp tiết kiệm năng lượng khác đảm bảo mức sử dụng năng lượng thấp hơn 6% so với yêu cầu.

Tổng chi phí đầu tư xây dựng tòa tháp Strata là 113 triệu bảng (hơn 3,3 ngàn tỉ đồng) và dự tính sẽ hoàn tất vào tháng 4 này. Với thiết kế mang tính cách mạng, tòa tháp này đánh dấu một bước tiến quan trọng trước mục tiêu không khí thải đối với tất cả các công trình trong nước vào năm 2019.

Đến “Hải đăng” Pháp

Nước Pháp vào năm 2015 cũng sẽ có một công trình cao ốc kèm theo turbine gió. Công trình này được xây dựng theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư người Mỹ Thom Mayne với độ cao thách thức tháp Eiffel. Cũng như Strata, một phần năng lượng cho cao ốc này sẽ được sản sinh từ gió.

Công trình có tên gọi Le Phare (Ngọn hải đăng) sẽ mọc lên tại khu kinh tế trọng điểm La Defense (ngoại ô Paris). Kiến trúc sư Mayne, người từng đoạt giải Pritzker danh giá, đã thiết kế công trình có chi phí xây dựng ước tính hơn 1 tỉ USD.

Cách đây 4 năm, Mayne đã vượt qua 9 kiến trúc sư khác trong cuộc thi chọn thiết kế cho tòa nhà. Tác phẩm của ông là một công trình có đường cong gợi cảm và vươn dần lên một cách không đối xứng. Đỉnh của nó là chùm ăng-ten nhọn hoắt trông xa như một chiếc mũ miện khổng lồ. Đây được coi là một cao ốc “xanh” vì các turbine chạy bằng năng lượng gió lắp trên đỉnh sẽ cung cấp năng lượng cho hệ thống điều hòa không khí của tòa nhà trong một khoảng thời gian đáng kể của năm. Mặt ngoài của công trình được thiết kế đặc biệt để giảm sức nóng từ ánh mặt trời xuyên qua cửa sổ vào mùa hè.

Việc thi công công trình Le Phare dự kiến được hoàn tất vào năm 2015. Tòa cao ốc này sẽ có chiều cao khoảng 300 mét, thấp hơn so một chút so với tháp Eiffel. Nhưng nó vẫn cao hơn nhiều so với tòa nhà cao nhất Paris là tháp Montparnasse (209 mét).

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Le Parisien hồi tháng 4.2009, Phó thị trưởng Paris Denis Baupin cho biết chính quyền thành phố này dự định lắp đặt các turbine gió lên các mái nhà cao tầng ở 4 khu vực có gió mạnh để tận dụng nguồn năng lượng trời cho này. Pháp đang hướng đến mục tiêu sản xuất 20.000MW từ năng lượng gió vào năm 2020, chiếm khoảng 20% sản lượng hiện nay.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.