Cảnh sát Mỹ bắn chết người vô tội thường... thoát tội?

09/04/2015 15:11 GMT+7

(TNO) Nhiều vụ cảnh sát Mỹ bắn chết người vô tội không hề bị truy tố vì cơ quan tư pháp nước này bênh vực cảnh sát, ém nhẹm và hợp pháp hóa những hành động giết người của cảnh sát, theo một luật sư Mỹ.

(TNO) Nhiều vụ cảnh sát Mỹ bắn chết người vô tội không hề bị truy tố vì cơ quan tư pháp nước này bênh vực cảnh sát, ém nhẹm và hợp pháp hóa những hành động giết người của cảnh sát, theo một luật sư Mỹ.

Video cảnh sát viên Michael Slager bắn ông Walter Scott đang bỏ chạy - Nguồn: Reuters
Cảnh sát Mỹ bắn chết thường dân trước đây thường không bị truy tố bởi vì hệ thống pháp lý nước Mỹ xem trọng lời khai của cảnh sát, luật sư Benjamin Crump, đại diện cho gia đình của thanh niên da màu 18 tuổi Michael Brown, cho biết, theo tờ USA Today (Mỹ) ngày 9.4. 
Michael Brown bị một cảnh sát da trắng bắn chết ở ngoại ô thành phố Ferguson (Mỹ) hôm 9.8.2014
Cảnh sát bắt dân thường như kiểu hành quyết
Vụ của Michael Brown đã kích ngòi làn sóng bạo động tại thành phố Ferguson sau khi viên cảnh sát bắn chết Michael Brown thoát tội.
Mới đây, cảnh sát Michael Slager (33 tuổi) bắn chết người đàn ông da màu Walter Scott (50 tuổi) tại thành phố North Charleston, bang South Carolina (Mỹ) đã bị sa thải, bị truy tố tội giết người và có thể đối mặt với bản án chung thân hay tử hình.
Reuters dẫn lại báo cáo điều tra sơ bộ của cảnh sát cho biết Slager khai báo rằng nạn nhân Scott đã cướp súng sốc điện của Slager nên anh này nổ súng để tự vệ. Nhưng đoạn video được một nhân chứng ghi lại và gửi cho báo đài Mỹ ngày 8.4 chứng minh rằng nạn nhân Scott tay không bỏ chạy, nên các điều tra viên liên bang quyết định truy tố Slager tội giết người sau khi xem xét đoạn video.
“Họ luôn sử dụng kịch bản này: Cảnh sát sợ hãi, bị đe dọa nên nổ súng tự vệ, truy tố rồi hủy cáo trạng. Đó là cách cảnh sát hợp pháp hóa việc giết chết chúng ta. Bây giờ lại có thêm vụ Slager được phơi bày, liệu cảnh sát sẽ sử dụng kịch bản tương tự?”, luật sư Crump nói.
 Theo luật Mỹ, việc cảnh sát sử dụng vũ lực làm chết người là hợp pháp khi nghi phạm đe dọa cảnh sát hoặc cộng đồng. Tuy nhiên, mỗi bang ở Mỹ có những quy định riêng về việc cảnh sát sử dụng vũ lực trấn áp tội phạm, theo AFP.
“Nhưng đây là một kiểu hành quyết. Cảnh sát viên Slager không chỉ bắn vào lưng ông Scott, mà còn bắn đến 8 phát súng”, giáo sư luật Randolph McLaughlin thuộc Đại học Pace (Mỹ) cho AFP biết.
“Nếu chúng ta không huấn luyện cảnh sát kỹ lưỡng, sẽ có thêm nhiều người vô tội khác bị giết. Và chúng ta sẽ chứng kiến đại dịch cảnh sát bắn chết người lan rộng khắp đất nước này”, ông McLaughlin nói.
Hành động cảnh sát giết người được hợp pháp hóa?
Những vụ cảnh sát giết người vô tội dấy lên làn sóng tranh luận trong dư luận Mỹ về sự minh bạch và đảm bảo công bằng trong công tác điều tra và xét xử bởi vì các cuộc điều tra thường được các công tố viên địa phương và Cục điều tra liên bang (FBI) tiến hành nội bộ, theo AFP.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Mỹ) cho biết, trong giai đoạn 2005 - 2011, hơn 2.700 cái chết do cảnh sát gây ra ở Mỹ được “ém nhẹ” và hợp pháp hóa, chỉ 41 cảnh sát viên bị truy tố, theo AFP.
Hoa được đặt tại hiện trường nơi ông Scott bị cảnh sát bắn chết - Ảnh: Reutes
Mặc dù đã chứng minh được Slager bắn chết ông Scott ngay giữa ban ngày, chưa chắc viên cảnh sát này lãnh án chung thân hay tử hình, theo tờ USA Today. Lý giải về nhận định này, USA Today đưa ra dẫn chứng vụ cảnh sát bóp cổ đến chết nạn nhân Eric Garner.
Vào tháng 7.2014, ông Garner, một người đàn ông da màu (43 tuổi) có 6 đứa con, đã thiệt mạng sau khi bị cảnh sát bóp cổ ở thành phố New York.
Vụ việc này cũng được ghi hình và trong đoạn video có tiếng ông Garner nói “tôi không thể thở được” vài lần. Nhưng cảnh sát lại khẳng định họ làm đúng và một bồi thẩm đoàn vào ngày  3.12.2014 quyết định không truy tố cảnh sát viên trên.
Giám đốc cơ quan Dịch vụ cảnh sát theo định hướng cộng đồng của Bộ Tư pháp Mỹ nhận định đã đến lúc cảnh sát Mỹ cần phải thay đổi văn hóa và cách làm việc.
Trên mạng xã hội Twitter, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton mô tả vụ cảnh sát bắn chết ông Scott là “quá quen thuộc” và kêu gọi: “Chúng ta có thể làm tốt hơn để tái xây dựng niềm tin, cải tổ hệ thống pháp lý, tôn trọng mạng người”.
Vụ cảnh sát bắn chết ông Scott cung cấp thêm chứng cứ cho thấy sự phân biệt chủng tộc của cảnh sát Mỹ, bà Lesley McSpadden, mẹ của Brown, cho hay.
“Còn rất nhiều người bị cảnh sát giết oan mà chúng ta vẫn chưa biết đến. Tôi hy vọng sẽ không có thường dân vô tội bị giết nữa”, bà Valerie Bell, mẹ của Sean Bell, nói. Bell thiệt mạng ngay này đám cưới của anh vào năm 2006, sau khi cảnh sát thành phố New York (Mỹ) bắn 50 phát súng vào xe của anh ta.
Feidin Santana (23 tuổi), người đã dùng điện thoại ghi lại cảnh một cảnh sát bắn chết ông Scott, cho biết anh đang lo sợ tính mạng mình bị đe dọa sau khi cung cấp video cho báo giới Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.