Cảnh sát biển, học giả Đài Loan đến đảo Ba Bình phi pháp

16/08/2016 10:56 GMT+7

Một nhóm cảnh sát biển và học giả người Đài Loan sẽ đến đảo Ba Bình ngày 16.8 để tìm hiểu thời tiết và "khẳng định chủ quyền" (?).

Chuyến đi do Cơ quan nội vụ Đài Loan tổ chức và được ông Yeh Jiunn-rong, người đứng đầu cơ quan này dẫn đầu; nhóm có sự tham gia của cả giới chức thành phố Cao Hùng, theo cơ quan thông tấn Đài Loan (CNA) ngày 15.8.
Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Đài Bắc chiếm đóng trái phép đảo này và giao cho chính quyền Cao Hùng quản lý.
Cơ quan nội vụ Đài Loan nói chuyến đi nhằm tìm hiểu sự thay đổi khí hậu cũng như khẳng định chủ quyền (?) của Đài Bắc đối với Ba Bình.
Ông Yeh sẽ tham dự lễ trao bảng số nhà cho bệnh viện Nam Sa đã được Đài Loan xây dựng phi pháp ở Ba Bình và đang được chính quyền thành phố Cao Hùng quản lý. Đài Bắc tự đặt địa chỉ cho bệnh viện này là số 1 Nam Sa, 18 Lin, phường Zhongxing, Quận Qijin, thành phố Cao Hùng (?).
Trong khi đó, các học giả làm việc ở dự án nghiên cứu Biển Đông thuộc Cơ quan khoa học và công nghệ sẽ tham gia nghiên cứu và đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu đối với Ba Bình, CNA dẫn nguồn từ Cơ quan nội vụ Đài Loan.
Cựu lãnh đạo Mã Anh Cửu trong một chuyến đi trái phép đến đảo Ba Bình AFP
Đây là chuyến thực địa đầu tiên đến Ba Bình của các nhà khoa học khí tượng Đài Loan. Cơ quan nội vụ Đài Loan đang có kế hoạch lập một trạm quan sát trên đảo Ba Bình. Đài Bắc đã cho xây dựng nhiều công trình trên đảo này, trong đó có đường băng, bến cảng, trường học, bệnh viện, hải đăng.
Đây là chuyến đi đầu tiên của giới chức Đài Loan đến Ba Bình kể từ khi lãnh thổ này có nhà lãnh đạo mới. Bà Thái Anh Văn, lãnh đạo của đảng Dân Tiến, bắt đầu nhiệm kỳ điều hành Đài Loan từ tháng 5.2016.
Cựu lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu từng nhiều lần đến Ba Bình trong sự phản đối của nhiều nước, trong đó có Việt Nam và Mỹ. Tiếp theo sau là những chuyến đi của giới học giả và cả truyền thông do Đài Bắc tổ chức nhằm chứng minh rằng Ba Bình là “hòn đảo” có sự sống, không phải “hòn đá”. Tuy nhiên, Toà trọng tài trong phán quyết đưa ra ngày 12.7.2016 đã từ chối công nhận Ba Bình là “hòn đảo” cũng như vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh nó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.