Cảnh báo về đội tàu câu mực Trung Quốc

Khánh An
Khánh An
22/06/2018 08:30 GMT+7

Tàu câu mực Trung Quốc đang hoạt động khắp thế giới, giúp nước này thao túng thị trường và phục vụ những ý đồ chiến lược khác.

Thống kê từ Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) cho thấy thế giới tiêu thụ hơn 2,7 triệu tấn mực hằng năm. Hải sản này đã trở thành một trong những món chủ lực tại nhiều nhà hàng từ Địa Trung Hải đến Mỹ và Nhật Bản. Phần lớn nguồn cung đến từ Trung Quốc khi nước này đánh bắt lên đến 50 - 70% sản lượng mực ống toàn cầu tại các vùng biển quốc tế, tờ South China Morning Post (SCMP, Hồng Kông) dẫn tài liệu lưu hành nội bộ của Tổng cục Thủy sản Trung Quốc cho hay.
Theo một nhà nghiên cứu giấu tên tại Đại học Hải dương Thượng Hải, mực có vòng đời chưa đến 1 năm nên rất khó theo dõi khu vực sinh sống và di chuyển của chúng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng Trung Quốc thường xuyên cung cấp thông tin vị trí cho đội tàu đánh bắt với độ chính xác lên đến 70 - 90% nhờ mạng lưới giám sát mực và bạch tuộc quy mô nhất thế giới. Vệ tinh và tàu nghiên cứu của chính phủ thu thập lượng dữ liệu khổng lồ giúp giới nghiên cứu quan sát, dự đoán chính xác tại các vùng biển quốc tế. “Chúng tôi đã phát hiện nhiều ngư trường mới trong vài năm gần đây và rất có khả năng sẽ tiếp tục tìm thấy nhiều nơi khác”, chuyên gia nói trên dự báo. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn chi hàng tỉ nhân dân tệ hằng năm để trợ cấp dầu, đóng tàu lớn, hiện đại với những công cụ đánh bắt quy mô lớn.
Tuy nhiên, việc khai thác rầm rộ, bất chấp hệ quả dẫn đến nguy cơ gây mất cân bằng sinh thái cũng như thiệt hại đối với ngành thủy sản nhiều nước. Tại Hàn Quốc, giá mực tăng hơn 40% trong năm ngoái và ngư dân nước này cho rằng nguyên nhân do Trung Quốc khai thác quá mức tại vùng biển giữa 2 nước. “Tàu chúng tôi chỉ đánh bắt được bằng khoảng 15% sản lượng của các tàu Trung Quốc. Chúng tôi dùng mồi câu phát quang truyền thống, còn tàu Trung Quốc chẳng khác gì càn quét cả đáy biển”, ngư dân Park Jung-gwi than thở. Theo Viện Hải dương Hàn Quốc, sản lượng mực của nước này giảm 48% trong vài năm gần đây còn Nhật Bản giảm đến 73%.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn bị chỉ trích lũng đoạn thị trường mực khi vừa đẩy giá vừa xuất khẩu hàng chất lượng kém. Theo chuyên trang về công nghiệp thủy hải sản Undercurrent News, năm 2016, mực nhập từ Trung Quốc vào Mỹ chứa 30 - 50% nước so với 10% vào năm trước đó.
Mặt khác, hoạt động rầm rộ của đội tàu câu mực nói riêng và tàu đánh bắt nói chung không chỉ liên quan đến vấn đề kinh tế đơn thuần mà còn nằm trong chiến lược áp đặt hiện diện trên biển của Trung Quốc. SCMP dẫn lời Giáo sư Điền Dũng Quân thuộc Đại học Hải dương Trung Quốc tuyên bố việc nước này đánh bắt đến 70% sản lượng mực trên thế giới là “không có gì bất thường” với “sức mạnh trên biển ngày càng tăng”. Một nhà nghiên cứu khác cũng nói thẳng đây là “một bước nhỏ mà quan trọng trong quá trình chinh phục các đại dương”.
Nguy cơ cạn kiệt
Theo South China Morning Post, các chuyên gia quốc tế kêu gọi chính phủ Trung Quốc dừng trợ cấp cho sự “bành trướng” của ngành đánh bắt hải sản trước nguy cơ khai thác cạn kiệt và hủy hoại hệ sinh thái. Báo cáo do Hiệp hội Địa lý quốc gia Mỹ, Đại học California (Mỹ), Đại học British Columbia (Canada) và Đại học Western Australia (Úc) đồng thực hiện cảnh báo các đội tàu đánh bắt xa bờ của Trung Quốc đang gây tác hại vô cùng lớn, nhất là các tàu dùng ngư cụ càn quét đáy biển. Hồi tháng 2, nghiên cứu của Tổ chức Global Fishing Watch cho thấy hoạt động đánh bắt cá của nước này có quy mô rầm rộ nhất thế giới, vươn xa đến tận châu Phi và châu Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.