Căng thẳng quanh vụ Mỹ thử tên lửa

23/08/2019 06:32 GMT+7

Nga, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên đều cho rằng việc Mỹ phóng thử tên lửa hành trình gần đây sẽ tạo ra mối đe dọa an ninh.

Đài RT hôm qua dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Mỹ đã nhanh chóng tiến hành cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình Tomahawk phiên bản phóng từ mặt đất hôm 18.8, ngay sau khi tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). “Động thái này cho thấy Washington đã lên kế hoạch từ lâu và rút khỏi hiệp ước chỉ là cái cớ để phát triển tên lửa”, ông Putin nói, đồng thời bày tỏ lo ngại Washington sẽ triển khai tên lửa mới tại Romania cùng Ba Lan và gọi đây là “mối đe dọa” đối với Nga. Ông Putin nói Moscow buộc phải có “biện pháp đáp trả”, bao gồm phát triển tên lửa tầm ngắn và tầm trung phóng từ mặt đất.

[VIDEO] Nga, Trung Quốc lên án Mỹ thử tên lửa "đe dọa hòa bình"

Cùng ngày, KCNA dẫn lời một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ không đàm phán hạt nhân nếu Mỹ không chấm dứt “những hành động thù địch” có nguy cơ châm ngòi “chiến tranh lạnh mới”, bao gồm thử nghiệm tên lửa và điều chiến đấu cơ F-35 đến Hàn Quốc. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cũng cáo buộc động thái của Mỹ sẽ tạo ra cuộc chạy đua vũ trang mới, đe dọa an ninh khu vực và toàn cầu.
Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi quân đội Mỹ phóng thử tên lửa Tomahawk với tầm bắn hơn 500 km tại đảo San Nicolas ở ngoài khơi bờ biển bang California. “Dữ liệu thu thập được và kinh nghiệm từ vụ phóng thử sẽ giúp Bộ Quốc phòng phát triển năng lực tên lửa tầm trung xa trong tương lai”, theo thông báo của Lầu Năm Góc. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng tiết lộ kế hoạch thử nghiệm tên lửa đạn đạo có tầm bắn khoảng 3.000 - 4.000 km vào cuối năm nay.
Tên lửa Tomahawk trên là loại vốn bị cấm theo điều khoản trong INF do Mỹ ký kết với Liên Xô vào năm 1987. Vụ phóng diễn ra chỉ vài tuần sau khi Mỹ - Nga lần lượt rút khỏi INF. Nga và Trung Quốc đã yêu cầu Hội đồng Bảo an LHQ họp trong ngày 22.8 nhằm thảo luận “những tuyên bố của giới chức Mỹ về kế hoạch phát triển và triển khai tên lửa tầm trung có nguy cơ đe dọa an ninh, hòa bình thế giới”, theo Reuters.

[VIDEO] Sức mạnh quân đội Trung Quốc thách thức Mỹ ở châu Á

Giới chuyên gia nhận định Mỹ rút khỏi INF không chỉ vì Nga mà còn là do Trung Quốc đang sở hữu và phát triển nhiều loại tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ mặt đất. Trong cuộc phỏng vấn với Fox News, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm qua khẳng định nước này cần phải đủ năng lực để đối phó những loại vũ khí tầm trung của Trung Quốc. “Bên cạnh đó, rõ ràng Nga đang cố mở rộng kho vũ khí hạt nhân chiến lược đối phó Mỹ. Hiện Moscow sở hữu những tên lửa tầm trung có thể đe dọa châu Âu, đây là một điều tồi tệ”, ông Esper nói. Trước đó, trong chuyến công du ở Úc, chủ nhân Lầu Năm Góc đã tuyên bố sẽ sớm triển khai các hệ thống tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất đến châu Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.