Cái bóng Saddam Hussein trong đầu não IS

26/06/2017 07:52 GMT+7

Nếu thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi thật sự bị tiêu diệt thì người thay thế có thể là một trong những tướng lĩnh cấp cao dưới thời Tổng thống Iraq Saddam Hussein.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, thủ lĩnh tối cao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) Abu Bakr al-Baghdadi có thể đã bị tiêu diệt trong một cuộc không kích tại Syria hồi cuối tháng 5. Hãng tin Interfax sau đó dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Hội đồng Liên bang Nga (tức Thượng viện) Viktor Ozerov tuyên bố “gần như 100%” al-Baghdadi đã thiệt mạng. Mặc dù Mỹ và các bên liên quan khác không thể xác nhận thông tin này nhưng giới chuyên gia đã bắt đầu đoán định về thủ lĩnh tiếp theo của IS.
Ứng viên sáng giá
Được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là 2 cái tên Iyad al-Obaidi và Ayad al-Jumaili, cả hai đều là sĩ quan cấp cao trong quân đội Iraq dưới thời ông Hussein trước đây, theo Reuters. Obaidi, 50 tuổi, được phương Tây coi là “Bộ trưởng chiến tranh” của IS còn Jumaili chỉ huy nhóm tay súng khét tiếng Amniya có vai trò “giữ gìn an ninh nội bộ và chống phản loạn”. Hồi tháng 4, Đài truyền hình Iraq đưa tin Jumaili đã bị tiêu diệt nhưng thông tin này sau đó không được xác nhận. Lâu nay, giới chuyên gia và các nguồn tin Trung Đông cho rằng thủ lĩnh tối cao al-Baghdadi chủ yếu đóng vai trò biểu tượng và sách động tinh thần các phần tử ủng hộ còn về mặt chiến lược chủ yếu do một “Hội đồng chiến tranh” quyết định. Sau khi hầu hết những nhân vật cộm cán nhất trong hội đồng này như phó tướng Abu Ali al-Anbari và trùm tuyên truyền Abu Mohammad al-Adnani bị tiêu diệt năm 2016, các hoạt động thực tế của IS đều do al-Obaidi và al-Jumaili hoạch định.
Theo giới tình báo Iraq, nếu al-Baghdadi thực sự bị máy bay Nga tiêu diệt thì ghế tối cao của IS chỉ có thể lọt vào tay hai người nói trên và al-Obaidi có lợi thế hơn vì chức vụ của ông ta cao hơn al-Jumaili. Tuy nhiên, chuyên gia Hisham al-Hashimi, cố vấn về IS của chính phủ Iraq, nhận định dù al-Jumaili lâu nay coi al-Obaidi là cấp trên của mình nhưng không có gì bảo đảm ông này sẽ ngồi yên khi có cơ hội tranh giành quyền lực. Mặt khác, cũng không thể loại trừ cả hai phải nhìn một nhân vật khác được lựa chọn vì họ đều không nắm vững thần học Hồi giáo và do lâu nay chuyên hoạt động trong bóng tối nên không đủ sức lôi kéo như al-Baghdadi.

tin liên quan

IS cho nổ tung đền thờ lịch sử ở Iraq
Quân đội Iraq cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã phá hủy đền thờ Hồi giáo al-Nuri và tháp biểu tượng Hadba ở thành phố Mosul ngày 21.6.
Reuters dẫn các nguồn tin từ Syria cho hay việc bổ nhiệm thủ lĩnh tối cao mới đòi hỏi phải có sự đồng ý của một hội đồng cố vấn gồm 8 thành viên. Nhóm này có 6 người Iraq, 1 người Jordan và 1 người Ả Rập Xê Út. Họ được cho là sẽ không trực tiếp gặp nhau vì lý do an ninh nên sẽ dùng cách thức liên lạc khác để truyền đạt quyết định của mình. Một số quan chức tình báo Mỹ thì cho rằng trong bối cảnh sắp bị đánh bật hoàn toàn khỏi Mosul (Iraq) và “thủ phủ” Raqqa tại Syria cũng đang bị vây hãm, IS đã đưa hầu hết chỉ huy cấp cao tới khu vực al-Mayadin ở thung lũng Euphrates (Syria), cách biên giới Iraq khoảng 80 km.
Di họa từ thời Mỹ chiếm đóng Iraq
Tờ Der Spiegel dẫn lời giới phân tích cho rằng IS không đơn thuần là một lực lượng cuồng tín, tàn bạo như vẻ ngoài mà thực chất hoạt động rất bài bản về quân sự và tình báo, ra đời từ một nhóm tướng lĩnh cấp cao từng phục vụ dưới thời ông Hussein. Sau khi lật đổ thành công chính quyền Hussein, Mỹ lập tức giải tán quân đội Iraq cũng như đảng Baath cầm quyền. Nhiều tướng tá được đào tạo và cực kỳ thiện chiến trở nên “thất nghiệp, đau đớn và vô cùng căm hận phương Tây lẫn chính quyền mới của Iraq”.
Trong giai đoạn 2006 - 2008, một nhóm sĩ quan tình báo và lục quân “xuất sắc, thông minh và rất cứng rắn” do Haji Bakr và Izzat Ibrahim al-Douri lãnh đạo bắt đầu liên hệ với một nhóm vũ trang chống Mỹ nhỏ mang tên Jama'at al-Tawhid wal-Jihad và dần dần chiếm quyền kiểm soát nhóm này rồi đổi tên thành Nhà nước Hồi giáo Iraq, tiền thân trực tiếp của IS. Để tạo bộ mặt thánh chiến cho tổ chức, các nhân vật cộm cán từng phục vụ chính quyền Tổng thống Hussein quyết định đưa al-Baghdadi vào ghế thủ lĩnh năm 2010. Ông ta vốn xuất thân từ gia đình truyền giáo, được đào tạo ngành luật đạo Hồi ở Đại học Baghdad, có “thâm niên” chống đối vũ trang và rất có tài kích động, lôi kéo.
Nhiều chuyên gia nhận định sức hút của al-Baghdadi đối với các phần tử cực đoan kết hợp với những cái đầu chiến lược của bộ sậu lãnh đạo phía sau đóng vai trò quyết định trong các chiến thắng liên tiếp của IS những năm trước đây. Haji Bakr bị tiêu diệt năm 2014, còn al-Douri bị cho là đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công của quân đội Iraq năm 2015, theo CNN.
Con al-Baghdadi sẽ “nối ngôi” ?
Ngoài những nhân vật tướng lĩnh khét tiếng và nhiều kinh nghiệm, IS còn một lựa chọn khác là đưa con trai al-Baghdadi vào ghế thủ lĩnh để tiếp tục duy trì “dòng dõi chính thống”. Không rõ al-Baghdadi có bao nhiêu con, nhưng hồi năm 2014, truyền thông phương Tây dẫn lời giới chức Li Băng khẳng định đã bắt giữ vợ và con trai của ông ta. Người con trai lúc đó đang ở tuổi vị thành niên nên nhiều khả năng đã được thả và nay có thể trở thành “thái tử IS”. “Chiêu” này hiện đang được al-Qaeda sử dụng khi con trai của Osama bin Laden là Hamza bin Laden thời gian qua thường xuyên xuất hiện, liên tục tung ra lời kích động tấn công phương Tây với giọng điệu và những từ ngữ thường được cha mình sử dụng trước đây.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.