Cả một đế quốc từng suy tàn vì biến đổi khí hậu

Khánh An
Khánh An
14/11/2019 20:00 GMT+7

Khí hậu chuyển sang khô hạn được cho là nguyên nhân khiến đế quốc Tân Assyria suy tàn vào cuối thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên.

Các nhà nghiên cứu cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân đằng sau sự suy vong của đế quốc Tân Assyria, một siêu cường quốc từng vô cùng thịnh vượng ở vùng Cận Đông trong 300 năm trước khi sụp đổ, theo The Guardian.
Đế quốc này phát triển mạnh vào khoảng năm 912 trước CN và trải dài từ Địa Trung Hải xuống tới Ai Cập và đến tận vùng Vịnh.
Trong suốt thời kỳ này, Assyria được xem như là thế lực hùng mạnh nhất trong khu vực, tranh đua cùng với Babylon và các thế lực nhỏ hơn để thống trị vùng Lưỡng Hà.
Tuy nhiên, không lâu sau khi vua Ashurbanipal băng hà vào khoảng năm 630 trước CN, đế quốc này bắt đầu suy tàn và sụp đổ hoàn toàn vào cuối thế kỷ thứ 7 trước CN.
Các nhà khoa học mới đây nhận thấy sự suy vong trùng khớp với những biến đổi khí hậu từ ẩm ướt sang khô hạn, trong khi đế quốc này dựa rất nhiều vào nông nghiệp.
“Gần 2 thế kỷ mưa nhiều và nông sản tăng khiến quá trình đô thị hóa và bành trướng đế quốc tăng nhanh, nhưng lại không phù hợp khi khí hậu chuyển sang khô hạn vào cuối thế kỷ thứ 7”, theo nghiên cứu của một nhóm gồm nhiều nhà khoa học quốc tế đang trên chuyên san Science Advances.
Dù nội chiến, việc bành trướng quá mức và thua trận là nguyên nhân trực tiếp khiến đế quốc sụp đổ, nguyên nhân sâu xa có thể là do mùa màng thất bát dẫn đến suy sụp kinh tế, dẫn đến bất ổn và xung đột chính trị.
Cũng theo nghiên cứu, tác động tương tự diễn ra vào ngày nay ở Iraq sau khi trải qua đợt hạn nặng vào năm 1999-2001 và 2007-2008 dẫn đến nông sản giảm và gia súc chết, được cho là nguyên nhân dẫn đến khó khăn ở quốc gia Trung Đông này.
Theo giáo sư Ashish Sinha tại Đại học bang California (Mỹ), biến đổi khí hậu vào thế kỷ 20 do con người tác động diễn ra nghiêm trọng hơn nên hậu quả có thể còn đáng lo ngại hơn nhiều so với năm 600 trước CN.

[VIDEO] Đại dương có thể nuốt chửng các đô thị ven biển, theo nghiên cứu khí hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.