Bước tiến quan trọng của 'bộ tứ an ninh'

25/09/2021 09:00 GMT+7

Chỉ hơn nửa năm qua, dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ đã liên tục phối hợp cùng 3 thành viên còn lại của “bộ tứ” để thắt chặt hợp tác của nhóm.

Việc bộ tứ an ninh gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc tăng cường phối hợp không chỉ an ninh, quân sự mà còn về hàng hóa công, chuỗi giá trị sản xuất, công nghệ được kỳ vọng tạo ra bước chuyển quan trọng cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Rạng sáng nay 25.9 (theo giờ Việt Nam), theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của “bộ tứ an ninh” diễn ra tại Nhà Trắng (thủ đô Washington D.C, Mỹ) với sự tham gia của Tổng thống chủ nhà Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Úc Scott Morrison và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Tháng 3 vừa qua, 4 vị lãnh đạo này cũng đã có hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của nhóm nhưng diễn ra dưới hình thức trực tuyến.

Lãnh đạo bộ tứ Mỹ - Nhật - Ấn - Úc tuyên bố gì ở hội nghị thượng đỉnh đầu tiên?

Các trụ cột

Chỉ hơn nửa năm qua, dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ đã liên tục phối hợp cùng 3 thành viên còn lại của “bộ tứ” để thắt chặt hợp tác của nhóm. Từ giữa tháng 2, Washington chủ động nhóm họp trực tuyến cấp ngoại trưởng của “tứ giác kim cương” gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ. Đến ngày 12.3, Mỹ lại tổ chức hội nghị thượng đỉnh với sự tham gia của lãnh đạo cao nhất thuộc chính quyền 4 nước trong nhóm rồi đưa ra chiến lược rất cụ thể. Tiếp đó, cũng trong tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Ngoại trưởng Antony Blinken của Mỹ thăm Nhật Bản và có cuộc hội đàm cấp cao “2+2” với Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi của nước chủ nhà tại thủ đô Tokyo.
Theo Reuters, “bộ tứ” đang theo đuổi 4 trụ cột chính ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Đầu tiên và then chốt là thúc đẩy một khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở được thể hiện qua hàng loạt cuộc tập trận, phối hợp hải quân chung ở nhiều cấp độ.
Sau hội nghị thượng đỉnh trực tuyến hồi tháng 3, “bộ tứ” cũng đã đề ra và đang thực thi chiến dịch “ngoại giao vắc xin” giữa bối cảnh thế giới phải ứng phó đại dịch Covid-19. Cụ thể, nhóm này, với sự tiên phong của Mỹ, sẽ viện trợ 1 tỉ liều vắc xin cho các nước. Trước đó, Trung Quốc đã liên tục viện trợ vắc xin cho nhiều nước với mục đích được cho là nhằm tạo sự ảnh hưởng đối với các nước.
Không những vậy, “bộ tứ” cũng đang tăng cường hợp tác để đạt được đồng thuận về viễn thông di động thế hệ 5G, bảo mật dữ liệu… Đây đều là các vấn đề mà Mỹ cùng các đồng minh đang bất đồng sâu sắc với Trung Quốc. Ngoài ra, Washington cùng với Tokyo, Canberra và New Delhi còn có nội dung hợp tác về xây dựng chuỗi cung ứng cho một số khoáng sản và công nghệ quan trọng, vốn được xem là chìa khóa của chất bán dẫn - vấn đề mà Trung Quốc đang gặp khó khăn do các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Công nghệ bán dẫn là một lĩnh vực cạnh tranh then chốt, bởi là yếu tố không thể thiếu cho nhiều ngành công nghiệp, công nghệ quan trọng có ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế Trung Quốc.
Không những vậy, 4 thành viên của “bộ tứ” cũng đã đồng ý cung cấp các dự án kết nối chung và tài trợ cơ sở hạ tầng minh bạch cho các quốc gia trong khu vực như một giải pháp thay thế Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Sự chuyển hướng khả quan

Trả lời Thanh Niên tối 24.9, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế, Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) nhận định: “Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp đầu tiên của “bộ tứ” tại Washington sẽ thúc đẩy hơn nữa đối với sự hợp tác thể chế của 4 thành viên để cung cấp hàng hóa công cho Indo-Pacific”. Điểm nổi bật của hàng hóa công ở đây chính là chương trình viện trợ vắc xin cho các nước mà “bộ tứ” đang theo đuổi.
“Sự thay đổi trên là chuyển hướng từ trọng tâm an ninh sang trọng tâm công ích, có nghĩa là để mở rộng sự hỗ trợ của các bên liên quan đối với “bộ tứ”. Đó cũng là một đánh giá thực tế về lợi ích và những hạn chế của các thành viên. Bên cạnh đó, các thành viên “bộ tứ” tái nhấn mạnh sự ủng hộ đối với một trật tự dựa trên luật lệ ở Indo-Pacific, cũng như hòa bình, ổn định ở Biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan nói riêng”, PGS Nagy nhận xét.
Theo ông, việc tập trung vào cung cấp hàng hóa công và hợp tác trong các lĩnh vực công nghệ khác nhau, cũng như xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt sẽ được các quốc gia ở Indo-Pacific ủng hộ rộng rãi. Đó là hình thức tham gia bằng nguồn lực tài chính và cơ sở hậu cần mang tính lâu dài để đóng góp vào sự phát triển lâu dài của khu vực. Cả hai đều sẽ rất quan trọng để các bên liên quan ở Indo-Pacific độc lập hơn trước Trung Quốc và Mỹ.

Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông

Bắc Kinh điều 24 máy bay nhập ADIZ Đài Loan
Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) hôm qua đăng thông báo rằng cuộc tập trận bắn đạn thật sẽ diễn ra ở Biển Đông gần tỉnh Quảng Đông từ ngày 25 - 27.9. Ngoài ra, một cuộc tập trận bắn đạn thật khác sẽ diễn ra ở Biển Đông từ ngày 25 - 28.9. Kết quả đối chiếu các tọa độ được nêu trong thông báo cho thấy khu vực tập trận nằm gần bờ biển phía đông đảo Hải Nam. Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc tiến hành hoặc lên kế hoạch ít nhất 41 cuộc tập trận ở Biển Đông, theo các thông báo được đăng trên website của MSA.
*Tờ South China Morning Post dẫn thông báo của Cơ quan phòng vệ Đài Loan hôm qua cho biết 24 máy bay của quân đội Trung Quốc (PLA) ngày 23.9 xâm nhập phía tây nam vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Trong số đó có 18 chiến đấu cơ, 2 oanh tạc cơ, 2 máy bay săn ngầm, 1 vận tải cơ và 1 máy bay tác chiến điện tử.
Đài Loan đã phát đi cảnh báo triển khai máy bay và hệ thống tên lửa phòng không để giám sát hoạt động của máy bay Trung Quốc. Đây là lần thứ 20 máy bay PLA tiến vào ADIZ Đài Loan trong tháng này và cũng là lần phô trương lực lượng lớn nhất của Bắc Kinh kể từ khi Trung Quốc điều 28 máy bay đến cùng khu vực vào ngày 15.6.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Cục Hải sự Trung Quốc cảnh báo PLA đang tập trận bắn đạn thật ở Hoàng Hải và biển Bột Hải, cách Đài Loan khoảng 1.000 km về phía đông bắc.
Văn Khoa - Đông A
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.