Bước tiến dài trong quan hệ hợp tác y tế Việt Nam–Mỹ

26/03/2021 08:00 GMT+7

Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn độc quyền với Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Marie C.Damour về những cột trụ chính trong 25 năm quan hệ hợp tác y tế Việt Nam–Mỹ và triển vọng tương lai.

Thưa bà, tại sao tổng lãnh sự quán Mỹ lại quyết định tổ chức cuộc triển lãm vào lúc này?
Chúng tôi vô cùng vui mừng khi có thể tổ chức cuộc triển lãm đánh dấu quan hệ hợp tác y tế giữa Mỹ và Việt Nam. Khá trùng hợp là sự kiện này diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lây lan khắp toàn cầu.
Trên thực tế, chúng tôi luôn muốn tổ chức cuộc triển lãm nhân dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao để vinh danh hợp tác y tế song phương vì đây là một trong những khía cạnh nền tảng của quan hệ Việt – Mỹ. Và tôi cho rằng đây là thời điểm hoàn hảo để ghi nhận lại toàn cảnh mối quan hệ đó.
Những bức panel thể hiện những khoảnh khắc hợp tác Việt – Mỹ về an ninh y tế toàn cầu và cải thiện hoạt động chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam, bao gồm cuộc chiến chống dịch cúm, lao phổi, HIV/AIDS, hỗ trợ người khuyết tật. Các hình ảnh thực sự phản ánh 4 khía cạnh đó, và chúng tôi rất tự hào về những gì đã đạt được.

Tổng lãnh sự Mỹ chia sẻ về quan hệ hợp tác y tế với Việt Nam

Thời gian qua, quan hệ hợp tác y tế song phương tập trung vào các điểm chính nào?
Có một số bức panel trên tường đại diện cho những gì mà chúng ta đang hợp tác, như mối quan hệ giữa Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Việt Nam.
Quan hệ hợp tác y tế song phương hiện dựa trên 4 cột trụ chính. Một là Hệ thống giám sát các bệnh truyền nhiễm, để chúng ta phát hiện ngay ca bệnh trong cộng đồng. Kế tiếp là Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh, đến Mạng lưới các phòng thí nghiệm nghiên cứu dịch bệnh bùng phát, cung cấp dữ liệu chính xác cho CDC, cho phép các nhà hoạch định chính sách đưa ra biện pháp xử lý và cuối cùng là năng lực của nhân viên y tế.
Tất cả những sự hợp tác này nhằm cải thiện khả năng phát hiện dịch bệnh sớm, không những tại Việt Nam và còn ở tầm khu vực, cũng như nâng cao năng lực của hệ thống chăm sóc y tế của Việt Nam trong việc phản ứng trước nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong nước.

Sau thời gian dài chuẩn bị, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM đã khai trương cuộc triển lãm chủ đề “Hợp tác Y tế Việt Nam – Mỹ” trong 25 năm. Kéo dài đến ngày 1.5, cuộc triển lãm được tổ chức trên các bức tường của tòa tổng lãnh sự quán Mỹ tại số 04 Lê Duẩn P.Bến Nghé Q.1, TP.HCM. Tổng cộng có 20 bức ảnh kích thước 3mx2m ghi lại các khoảnh khắc đặc biệt trong quan hệ hợp tác y tế của hai nước suốt một phần tư thế kỷ. Theo Tùy viên Thông tin Juan German, tất cả các bộ phận của tổng lãnh sự quán đã tham gia vào việc lựa chọn từng tấm ảnh, phản ánh sự hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực, từ dịch Covid-19 và các căn bệnh truyền nhiễm khác, đến an ninh phòng thí nghiệm, hỗ trợ người khuyết tật và bệnh xuất phát từ động vật.

Theo bà, đâu là điểm sáng và thành tựu lớn nhất trong 25 năm hợp tác Việt Nam – Mỹ?
Đó là câu hỏi vô cùng khó trả lời vì tôi cho rằng có quá nhiều dự án và thành tựu đạt được (trong chuỗi dài quan hệ Việt-Mỹ).
Nếu phải chọn, có lẽ tôi sẽ thiên về một dự án quan trọng, nhất là đối với bản thân tôi, và đó chính là mối quan hệ hợp tác về phòng chống HIV/AIDS.
Mối quan hệ hợp tác về phòng chống HIV/AIDS kéo dài nhiều năm và hiện vẫn tiếp tục được tiến hành, và đây quả thật là một minh chứng tuyệt vời cho sự hợp tác giữa hai chính phủ của chúng ta.
Nếu phải lựa chọn ví dụ thứ hai, tôi chọn cuộc chiến chống Covid-19, vì tôi cho rằng đây là kết quả của 25 năm hợp tác Việt-Mỹ nhằm xây dựng năng lực của hệ thống y tế, thiết lập hệ thống giám sát, xây dựng năng lực của các nhân viên y tế.
Qua đó Việt Nam phản ứng vô cùng nhanh chóng và hiệu quả trước Covid-19. Một lần nữa, chúng ta trở thành đối tác. Năm ngoái Mỹ tài trợ 100 máy thở cho Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19. Ngược lại, chính phủ, doanh nghiệp và người Việt đã gửi tặng hơn 3 triệu trang thiết bị bảo vệ y tế cho Mỹ, giúp chúng tôi trong giai đoạn đầu chống chọi dịch bệnh.
Những trang bị thiết bị này thật sự đã cứu sống nhiều người Mỹ. Chúng tôi vô cùng biết ơn về điều đó. Và tôi cho rằng đây là ví dụ xuất sắc cho mối quan hệ song phương.
Bà có nhận xét gì về cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam trong thời gian qua?
Tôi cho rằng bất cứ ai đều phải thán phục các bạn, không chỉ dừng lại ở phản ứng của chính phủ, mà còn là công sức của người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Với hệ thống giám sát, chính phủ Việt Nam đã làm được công việc to lớn trong việc phát hiện ngay các ca bệnh, đẩy mạnh công tác xét nghiệm nhằm xác định người mắc Covid-19, công tác truy vết để tìm ra những người có thể nhiễm virus, từ đó cho phép chính phủ Việt Nam phản ứng cấp kỳ.

Một trong những bức ảnh yêu thích của Tổng lãnh sự Damour

Độc Lập

Trong đợt bùng phát dịch gần đây nhất, Việt Nam chỉ mất 20 ngày để dập dịch, điều này thật sự vô cùng ấn tượng. Thế nhưng, tôi cũng không hề đánh giá thấp sự góp sức của người dân Việt Nam.
Các bạn lập tức có những hành động như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội, sự hy sinh khi phải ngừng các hoạt động kinh doanh nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch Covid-19. Thiếu tinh thần đầy kỷ luật đó, chính phủ Việt Nam khó có thể chống dịch thành công nếu không nhận được sự ủng hộ của toàn dân.
Bà có thể chia sẻ vai trò của Việt Nam trong bức tranh khu vực và toàn cầu về lĩnh vực an ninh y tế?
Một điều hết sức rõ ràng là chúng ta cần phải hợp tác bởi vì virus chẳng hề có khái niệm biên giới. Vì thế, nếu dịch bệnh bùng phát tại Đông Nam Á, chỉ sau hai ngày mức độ ảnh hưởng có thể lan đến châu Âu và Mỹ.
Bên cạnh đó, khi Mỹ hỗ trợ xây dựng năng lực y tế cộng đồng của Việt Nam, điều này có lợi cho cả hai nước chúng ta. Trong dịp kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ, chúng tôi đã nói rằng những đối tác đáng tin cậy sẽ cùng nhau phát triển thịnh vượng.
Mảng y tế phát triển tốt đóng vai trò then chốt cho sự phát triển kinh tế của bất kỳ quốc gia nào. Vì thế việc hỗ trợ Việt Nam tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe mang đến nhiều lợi ích cho Mỹ.
Một là theo hướng cải thiện an ninh y tế toàn cầu, kế đến là phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế Việt Nam, một điểm khác mà hiếm người nào nghĩ đến chính là, vào trưa 23.3, tôi tham gia lễ tiễn đơn vị Bệnh viện dã chiến kế tiếp đến Nam Sudan, theo một phần của sứ mệnh gìn giữ hòa bình quốc tế của Liên Hiệp Quốc.
Một lần nữa, đơn vị bệnh viện dã chiến của Việt Nam đã tham gia sứ mệnh của Liên Hiệp Quốc, và điều này nhờ vào sự củng cố năng lực của mạng lưới y tế Việt Nam.

Hình ảnh tại buổi tiễn Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 lên đường đến Nam Sudan hôm 24.3

Độc Lập

Bà nghĩ như thế nào về sự tham gia của Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc?
Việt Nam gây ấn tượng mạnh khi liên tục gia tăng vai trò của mình trên trường quốc tế, từ việc trở thành thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi đang mong đợi Việt Nam trở thành chủ tịch Hội đồng Bảo an từ tháng 4 và tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở nước ngoài. Hồi năm ngoái, Việt Nam đã đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN và hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ của mình bất chấp phải xoay xở trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn và đầy thách thức. Chúng tôi muốn làm mọi điều để có thể hỗ trợ Việt Nam nâng cao và đảm trách vai trò ngày càng lớn hơn trên trường quốc tế.
Bản thân tôi cho rằng sứ mệnh gìn giữ hòa bình vô cùng quan trọng, không chỉ dừng lại ở ích lợi mà Liên Hiệp Quốc mang đến cho Nam Sudan, và trên hết, thẳng thắn mà nói, là biểu tượng gửi đến cộng đồng quốc tế rằng hai quốc gia từng đứng bên kia chiến tuyến có thể làm được điều gì khi họ trở thành bạn bè, và trở thành đối tác toàn diện. Tôi cho rằng đây là mô hình tuyệt vời cho cả thế giới về sự hòa giải. Và sức mạnh của biểu tượng đó gần như quan trọng như nỗ lực chăm sóc y tế mà đơn vị Việt Nam sẽ mang đến Nam Sudan.
Cảm ơn bà đã chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.