Bước đột phá về khôi phục sự sống cho não

01/05/2018 05:33 GMT+7

Đội ngũ chuyên gia của Đại học Yale (Mỹ) vừa thành công trong việc duy trì sự sống của não lợn mà không cần đến cơ thể suốt 36 giờ. Đây là thí nghiệm có thể định nghĩa lại cái chết.

Tuyên bố gây chấn động của nhóm chuyên gia Mỹ đã được chào đón bằng những kỳ vọng lẫn các ý kiến quan ngại về mặt đạo đức. Nếu tình huống tương tự có thể thực hiện được đối với não người, công nghệ mới hứa hẹn có thể mang đến những khả năng kéo dài sự sống của cơ quan nội tạng, theo hướng phục vụ các cuộc nghiên cứu mà hiện nay vô phương thực hiện.
Khôi phục não cắt lìa thân lợn
Trưởng nhóm là nhà khoa học thần kinh của Đại học Yale, Giáo sư Nenad Sestan đã mô tả công trình nghiên cứu của mình tại cuộc hội thảo của Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) vào cuối tháng trước. Theo chuyên gia Sestan, đội ngũ của ông đã tiến hành thí nghiệm trên 100 đến 200 đầu lợn được lấy từ một lò sát sinh. Nhờ vào hệ thống bơm máu nhân tạo, các thiết bị giữ nhiệt và máy bơm, họ cho hay đã khôi phục thành công tuần hoàn máu cho bộ não đã bị cắt khỏi thân lợn trước đó 4 giờ. Kỹ thuật này, gọi là BrainEx, cho phép duy trì sự sống của não lợn vừa được “cứu sống” trong suốt 36 giờ liền.
Cần phải nói rõ là không có chứng cứ nào cho thấy những bộ não trên có ý thức. Các ảnh quét điện não đồ (EEG) hiển thị sóng não phẳng ở đầu lợn, tương tự như tình trạng của một bộ não không phản ứng và chìm trong tình trạng hôn mê sâu. Thế nhưng, Giáo sư Sestan vẫn cho rằng đây là kết quả hoàn toàn bất ngờ vì nhóm của ông phát hiện hàng tỉ tế bào não vẫn trong tình trạng khỏe mạnh và đủ sức thực hiện các hoạt động bình thường như ở sinh vật sống. Nói một cách đơn giản, ít nhất về mặt kỹ thuật biện pháp này có thể mang đến sự sống cho cơ quan thần kinh trung ương.
“Các bộ não có thể bị tổn thương, nhưng nếu những tế bào vẫn còn sống, nó vẫn là một cơ quan chưa chết”, theo trang tin MIT Technology Review dẫn lời tiến sĩ Steve Hyman, trưởng khoa nghiên cứu tâm thần học của Viện Broad ở TP.Cambridge (bang Massachusetts), người có mặt tại hội thảo trên.
Tranh luận về mặt đạo đức
Từ năm ngoái, tin tức về dự án của nhóm Đại học Yale đã sớm rộ lên trong cộng đồng các nhà khoa học và giới chuyên gia đạo đức sinh học. Bên cạnh việc mở ra cuộc tranh cãi về việc liệu não người được xử lý tương tự có nên xem là “còn sống” hay không, cuộc nghiên cứu mang lại nhiều thông tin hữu ích cho cộng đồng thí nghiệm, cho phép giới khoa học nghiên cứu các bộ não nguyên vẹn và “khỏe mạnh” ở mức độ chưa từng có.
Giáo sư Sestan cho hay nhóm của ông nghĩ ra phương pháp khôi phục “sự sống” cho đầu lợn với hy vọng có thể vẽ được bản đồ hoàn chỉnh về các kết nối giữa những tế bào não người. Bên cạnh đó, thông tin thu được cho phép xây dựng các mô hình chính xác hơn và thậm chí có thể tiến hành thử nghiệm trên các cơ quan bị cắt lìa cơ thể nhằm nghiên cứu về những căn bệnh như chứng Alzheimer và ung thư não.
Trong buổi trình bày trước NIH, Giáo sư Sestan xác nhận BrainEx có thể được áp dụng cho bất kỳ loài động vật nào, bao gồm linh trưởng. Tuy nhiên, ông khẳng định không có chuyện đánh lừa thần chết ở đây. “Não động vật (cụ thể là lợn) không hề có nhận thức”, theo giáo sư Mỹ. Tuy nhiên, tiến sĩ Hyman vẫn cho rằng biện pháp trên có thể dẫn đến những sự lựa chọn mới trong nỗ lực kéo dài sự sống. “Có thể sẽ đến một lúc thay vì con người yêu cầu “hãy đông lạnh bộ não của tôi”, họ sẽ nói “hãy (kết nối) não tôi (vào cỗ máy duy trì sự sống) trong khi tìm cho tôi một cơ thể khác”, theo tiến sĩ Hyman.
Có lẽ vì thế mà 17 nhà khoa học thần kinh và chuyên gia về đạo đức sinh học, bao gồm Giáo sư Sestan, đã cùng công bố bài xã luận trên chuyên san Nature trong tuần qua, cho rằng đã đến lúc con người phải cần đến những điều luật để ngăn chặn các cuộc thử nghiệm “quái đản” đối với não người trong tương lai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.