Bước đột phá trên bán đảo Triều Tiên

06/01/2018 12:00 GMT+7

CHDCND Triều Tiên chấp nhận đề nghị của Hàn Quốc về việc tổ chức đối thoại cấp cao vào ngày 9.1, lần đầu tiên sau 2 năm gián đoạn.

Người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun ngày 5.1 thông báo Triều Tiên đã đồng ý tham dự cuộc đối thoại cấp cao tại Bàn Môn Điếm vào ngày 9.1, theo đề xuất mới đây của Seoul.
Thông điệp nhận lời do Chủ tịch Ủy ban Tái thống nhất hòa bình Triều Tiên Ri Son-gwon gửi đến Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Cho Myung-gyon.
Ông Baik cho biết hai bên dự kiến thảo luận về việc cải thiện mối quan hệ liên Triều và về việc đưa đoàn vận động viên miền Bắc dự Thế vận hội mùa đông vào tháng 2 tại Pyeongchang (Hàn Quốc), theo Hãng Yonhap.
Đây sẽ là lần đầu tiên quan chức hai nước ngồi lại đối thoại kể từ lần gần nhất ở khu công nghiệp Kaesong vào tháng 12.2015.
Hiện chưa rõ phía Triều Tiên sẽ cử những quan chức nào tham gia đối thoại, nhưng ông Baik cho hay hai bên sẽ tiếp tục bàn bạc thêm bằng cách trao đổi tài liệu. Trong khi đó, một quan chức thuộc Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh vấn đề ưu tiên trong cuộc gặp sắp tới là việc dự Thế vận hội của đoàn Triều Tiên, kế đến mới bàn việc làm ấm lại mối quan hệ.
Trong một động thái giúp giảm căng thẳng khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong cuộc điện đàm cuối ngày 4.1 đã nhất trí hoãn các cuộc tập trận chung thường niên Key Resolve và Foal Eagle trong thời gian diễn ra Thế vận hội mùa đông (từ ngày 9 - 25.2) và Thế vận hội cho người khuyết tật (từ ngày 9 - 18.3).
Theo đó, cuộc tập trận Key Resolve (năm ngoái được tổ chức từ ngày 13 - 24.3) sẽ dời lại cho đến ngày 23.4 - 3.5, còn thời gian và quy mô của cuộc tập trận Foal Eagle sẽ tùy thuộc vào thái độ của Triều Tiên trong thời gian tới, theo Yonhap.
Triều Tiên chưa có phản hồi chính thức nào về việc hoãn tập trận lần này dù mọi năm đều lên án đây là bước chuẩn bị của Washington và Seoul nhằm xâm lược Bình Nhưỡng.
Quyết định hoãn tập trận được coi là yếu tố thúc đẩy Triều Tiên nhận lời đối thoại với Hàn Quốc. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định tình hình chỉ tạm lắng xuống trong thời gian thế vận hội diễn ra và nhiều khả năng căng thẳng sẽ quay trở lại sau đó vì Triều Tiên sẽ không từ bỏ ý định phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa, còn Mỹ cũng sẽ không chịu gia giảm áp lực lên nước này.
Tổng thống Donald Trump chưa bình luận gì về diễn biến mới này dù trước đó ông đã viết trên Twitter rằng đề xuất đàm phán giữa 2 miền Triều Tiên là “điều tốt đẹp”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 5.1 tuyên bố hoan nghênh và ủng hộ những nỗ lực tích cực nhằm cải thiện quan hệ liên Triều, đồng thời khẳng định việc hoãn tập trận “chắc chắn là điều tốt”. Hãng tin Sputnik dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố đây là một chiều hướng tích cực và có thể mang lại những thỏa thuận cụ thể giúp giải quyết vấn đề liên Triều một cách hòa bình.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera tỏ ra thận trọng về cuộc đối thoại này và cho biết Tokyo vẫn cảnh giác vì “Triều Tiên sẽ tiếp tục phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.