Bước đi đối ngoại mới của chính quyền Biden

Khánh An
Khánh An
20/02/2021 07:42 GMT+7

Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đang tích cực rà soát, điều chỉnh và định hình hàng loạt chính sách đối ngoại.

Liên tiếp trong những ngày qua, Tổng thống Joe Biden đã có các cuộc điện đàm với nhiều lãnh đạo và tham dự các hội nghị, diễn đàn quan trọng. Bên cạnh đó, các quan chức ngoại giao cấp cao cũng tích cực thảo luận các chính sách đối ngoại của Washington tại những khu vực chiến lược.

Biển Đông trên bàn nghị sự

Theo Đài NHK ngày 19.2, ngoại trưởng các nước thuộc “bộ tứ kim cương” (gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Úc) đã nhóm họp trực tuyến lần đầu tiên sau khi ông Biden nhậm chức, trong đó nhất trí “cực lực phản đối những ý đồ dùng vũ lực và đơn phương thay đổi hiện trạng” ở Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tại cuộc họp do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chủ trì, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi Toshimitsu nhấn mạnh rằng vai trò của “bộ tứ kim cương” ngày càng quan trọng trong bối cảnh trật tự quốc tế đang bị thách thức. Ông Motegi còn bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về luật Hải cảnh của Trung Quốc cho phép lực lượng hải cảnh nổ súng chống lại tàu nước ngoài trong cái gọi là vùng biển thuộc quyền tài phán của nước này.

Tổng thống Biden cảnh báo Trung Quốc sẽ "giành bữa ăn" nếu Mỹ không nhanh chân

Bốn ngoại trưởng cũng nhất trí thắt chặt hợp tác với các nước ASEAN, các đảo quốc Thái Bình Dương và các quốc gia châu Âu. Theo ông Motegi, cuộc họp thể hiện cam kết mạnh mẽ của chính quyền Tổng thống Biden về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trở lại trung tâm bàn cờ

Trong một động thái đáng chú ý, ông Biden lần đầu tiên tham dự 2 sự kiện quốc tế quan trọng trên cương vị tổng thống Mỹ, bao gồm cuộc họp của các nước G7 và Diễn đàn an ninh Munich. Theo Reuters, Tổng thống Biden hôm qua dự họp trực tuyến G7 nhằm thảo luận các kế hoạch đối phó đại dịch Covid-19, phục hồi kinh tế và đối phó thách thức từ Trung Quốc. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết tâm điểm chú ý của ông Biden tại hội nghị là việc ứng phó toàn cầu đối với đại dịch, bao gồm việc sản xuất vắc xin, cung ứng các sản phẩm và nỗ lực đối phó tình trạng lây nhiễm gia tăng.
Bên cạnh đó, ông Biden cũng bàn về phục hồi kinh tế toàn cầu, bao gồm tầm quan trọng của tất cả các nước công nghiệp duy trì hỗ trợ quá trình hồi phục, và việc cập nhật vai trò toàn cầu nhằm đối phó các thách thức kinh tế như thách thức đến từ Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng đó là thông điệp của Mỹ về việc phối hợp với các nước, sau 4 năm với chính sách “nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm Donald Trump. G7 gồm các nền kinh tế phát triển là Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý.

Chính phủ Biden đặt mục tiêu gì để vãn hồi quan hệ Mỹ - NATO?

Theo một quan chức cấp cao tại Nhà Trắng, ông Biden nhấn mạnh với các đồng minh về tầm quan trọng của thể chế dân chủ, đồng thời các nền kinh tế, dân chủ lớn phải cùng nhau đối phó thách thức từ những cường quốc cạnh tranh như Nga và Trung Quốc. Tổng thống Mỹ nêu rõ ông không muốn “một Chiến tranh lạnh mới”, nhưng sẽ có cạnh tranh quyết liệt và ông hoan nghênh điều đó.
Trong một động thái khác, Mỹ đã thông báo với HĐBA LHQ về việc hủy bỏ tuyên bố của chính quyền Tổng thống Donald Trump liên quan việc tái áp đặt lệnh cấm vận lên Iran vào tháng 9.2020. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Blinken nói với các đồng minh châu Âu rằng Mỹ đã chuẩn bị đối thoại với Iran về việc tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 nhằm ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân.
Đáp lại, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif khẳng định nước này sẽ “lập tức đảo ngược” các hành động trong chương trình hạt nhân, một khi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận.
Mỹ tham vấn đồng minh về Triều Tiên
Hãng tin Kyodo ngày 19.2 đưa tin Mỹ đã tham vấn Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm xem xét lại toàn bộ chính sách về CHDCND Triều Tiên để có định hướng trong thời gian tới. Tại cuộc họp trực tuyến, các quan chức ngoại giao cấp cao 3 bên cam kết tiếp tục hợp tác và phối hợp chặt chẽ trong việc giải giới hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Theo đó, nỗ lực giải giới hạt nhân trong thời gian tới sẽ dựa trên các nghị quyết của HĐBA LHQ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.