Bức ảnh lãnh đạo Ba Lan, Mỹ kẻ đứng người ngồi gây bức xúc

03/10/2018 13:30 GMT+7

Dư luận Ba Lan thời gian gần đây chỉ trích gay gắt bức ảnh Tổng thống nước này Andrzej Duda chụp chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hồi tháng 9.

Bức ảnh do chính Tổng thống Trump đăng tải trên Twitter cho thấy Tổng thống Duda đứng bên cạnh ông chủ Nhà Trắng đang ngồi tại bàn làm việc ở Nhà Trắng, theo Sputnik.
Tuy nhiên, bức ảnh này trở thành đề tài bàn tán và chỉ trích ở Ba Lan. Nhiều người phản đối việc Tổng thống Trump ngồi trên ghế thoải mái còn người đồng cấp Ba Lan phải đứng khi hai bên ký kết một thỏa thuận hợp tác chiến lược.
Một người bình luận trên Twitter rằng: “Ông Duda quên rằng mình là Tổng thống? Bức ảnh này chẳng có gì to tát nếu đó là một thư ký cá nhân luôn sẵn sàng làm việc 24 giờ mỗi ngày”.
Tuy nhiên, cũng có một số ít người lên tiếng bênh vực cho Tổng thống Duda. “Xin chúc mừng. Việc đứng hay ngồi chẳng quan trọng, miễn là chúng ta có một thỏa thuận tốt đẹp cho đất nước!”, theo một bình luận trên Twitter.
Bức ảnh "chế" Tổng thống Ba Lan ngồi và Tổng thống Mỹ đứng tại Nhà Trắng Ảnh chụp màn hình Twitter
Ứng đáp làn sóng chỉ trích, Tổng thống Duda hài hước tung lên mạng xã hội Twitter bức ảnh được photoshop, đảo vị trí đứng và ngồi giữa ông và Tổng thống Trump. Trong phần bình luận dưới ảnh, ông viết: "[Phía Mỹ] nói rằng sau chiến thắng của đội Ba Lan [trước đội Mỹ] tại bán kết Giải vô địch bóng chuyền thế giới, hiện quan hệ giữa Ba Lan và Mỹ đã đảo chiều. Và họ gửi cho tôi ảnh này làm bằng chứng. Té ghế".
Điểm đáng chú ý trong chuyến thăm của Tổng thống Duda là Ba Lan đưa ý tưởng “Pháo đài Trump” nhằm thuyết phục Tổng thống Trump lập căn cứ để binh sĩ Mỹ đồn trú thường trực tại quốc gia thành viên NATO này. Ông Duda cho rằng đây là điều cần thiết nhằm đối phó mối đe dọa từ Nga, theo Reuters.
Tổng thống Trump đã nhất trí với ông Duda rằng Nga “có hành động gây hấn” trong khu vực và Mỹ đang cân nhắc đề nghị của phía Ba Lan. Ông chủ Nhà Trắng cảm kích đề xuất của Tổng thống Duda về việc Ba Lan sẽ đầu tư trên 2 tỉ USD cho dự án xây căn cứ quân sự Mỹ.
Trước đó, Điện Kremlin bày tỏ quan ngại về thông tin Ba Lan sẽ đưa ra yêu cầu này đối với Mỹ vì cho rằng việc NATO mở rộng hiện diện quân sự sát với biên giới Nga là đe dọa ổn định ở châu Âu.
Ba Lan gia nhập NATO vào năm 1999 cùng với Hungary, Cộng hòa Czech và sau đó là các quốc gia vùng Baltic có biên giới giáp với Nga, bất chấp sự phản đối từ Moscow. Chính phủ Ba Lan nhiều lần yêu cầu Mỹ hiện diện quân sự thường trực tại nước này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.