Bộ tứ kim cương ló dạng

20/01/2018 09:24 GMT+7

Mỹ, Nhật, Ấn Độ, Úc đang xúc tiến các hoạt động quân sự và an ninh - quốc phòng theo hướng tạo nên lực lượng kiềm chế “thế lực gây hấn” tại Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Trong hội thảo vừa qua tại TP.HCM về “Quan hệ Việt - Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump”, một số diễn giả Mỹ đã nhắc đến sự nhen nhóm hình thành liên minh quân sự mới tại khu vực, gắn liền với cụm từ Ấn Độ - Thái Bình Dương được Washington sử dụng để thay thế cho khái niệm châu Á - Thái Bình Dương trước đó.
Ông Murray Hiebert, chuyên gia cấp cao Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ (CSIS), cho biết đây là một khái niệm từng được thảo luận dưới thời Tổng thống Barack Obama, với nỗ lực bổ sung Ấn Độ vào bức tranh toàn cảnh của cả khu vực.
Cùng lúc đó, ý tưởng về liên minh an ninh bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc tiếp tục được manh nha trong nỗ lực kiềm chế Trung Quốc trên biển. Và một loạt các diễn biến mới nhất cho thấy sự lộ diện ngày càng rõ nét hơn của cái gọi là “Bộ tứ kim cương”.
Mục tiêu chung
Một trong các dấu hiệu khác cho thấy bộ tứ kim cương đang hình thành được thể hiện qua thông điệp cứng rắn của các chỉ huy hải quân Mỹ - Nhật - Úc - Ấn tại diễn đàn Đối thoại Raisina được tổ chức ở New Delhi, thủ đô Ấn Độ từ ngày 16 - 18.1. Trong ngày cuối cùng của cuộc đối thoại, tư lệnh bốn nước đã có cuộc thảo luận chung, với sự tham gia của Đô đốc Harry Harris, chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ); Đô đốc Katsutoshi Kawano, Tổng tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (SDF); Đô đốc Sunil Lanba, Tham mưu trưởng hải quân Ấn Độ, và Phó đô đốc Tim Barrett, Tư lệnh hải quân Hoàng gia Úc. Đô đốc Harris đã gọi Trung Quốc là “thế lực gây hấn” và là bên phải chịu trách nhiệm vì đã gây nên “sự thiếu hụt về lòng tin” tại Ấn Độ - Thái Bình Dương.

“Chúng tôi buộc phải sẵn sàng đưa ra những quyết định cứng rắn trong năm 2018 nhằm chống lại bất cứ hành động đơn phương nào có ý đồ thay đổi quan niệm chung của toàn cầu về hoạt động tự do hàng hải dựa trên luật lệ”, theo tờ The Times of India dẫn lời Đô đốc Harris và quan điểm này nhận được sự đồng thuận của chỉ huy hải quân của ba nước còn lại. Đô đốc Sunil Lanba chỉ ra hải quân Trung Quốc đã tạo nên những thay đổi lớn trong các mô hình triển khai lực lượng tại các vùng biển xung quanh Ấn Độ. Đô đốc Katsutoshi Kawano thậm chí còn thẳng thắn hơn khi cho biết “quân đội Trung Quốc đang ngày càng trở nên mạnh hơn và mở rộng phạm vi hoạt động”, theo hướng phớt lờ luật quốc tế ở Hoa Đông và Biển Đông. Để chống lại sự khiêu khích của chính quyền Bắc Kinh, Mỹ - Nhật - Úc - Ấn cần phải hợp tác chặt chẽ với nhau, ông Kawano kết luận.
Cam kết Nhật - Úc
Tính kết dính của “Bộ tứ kim cương” còn được bổ sung bởi mối quan hệ được tăng cường giữa hai thành viên trong nhóm là Úc và Nhật Bản. Ngày 18.1, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Úc Malcolm Turnbull đã cùng cam kết tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo “một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, rộng mở, ổn định và thịnh vượng”, xây dựng trên nền tảng trật tự dựa trên nguyên tắc.
Động thái này cho phép triển khai hiệu quả chiến lược của chính quyền Tokyo nhằm kiềm chế tham vọng quân sự của Trung Quốc, mà theo Thủ tướng Abe là bảo đảm tự do hàng hải, ngăn chặn bất kỳ hành động đơn phương nào có ý đồ thay đổi hiện trạng tại khu vực, theo nhật báo The Japan Times. Trong tuyên bố chung sau đó, hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý tăng cường hợp tác quân sự theo hướng sâu và rộng hơn trong năm nay, bao gồm gia tăng các cuộc tập trận, diễn tập, các chuyến thăm lẫn nhau của quân đội hai nước.
Nhật Bản và Úc cũng đang tiếp tục đàm phán để chốt lại hiệp định quân sự mới, theo đó liệt kê chi tiết những điều khoản và nội dung cho phép lực lượng của bên này được quyền triển khai tạm thời trên lãnh thổ, lãnh hải của bên kia trong các cuộc tập trận. Đồng thời, hiệp định cũng nhằm mục đích đơn giản hóa các quy trình cần thiết cho việc vận chuyển trang thiết bị và quân nhu dành cho quân đội.
Dù Nhật Bản và Mỹ hiện tồn tại Thỏa thuận về quy chế lực lượng cho phép Mỹ đóng quân trên lãnh thổ đồng minh, thỏa ước đang hướng đến với Canberra là một dạng khác, và nếu thông qua sẽ đánh dấu lần đầu tiên Nhật Bản đạt được hiệp định như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.