Biểu tình kiểu Pháp

19/10/2010 22:27 GMT+7

Mùa thu năm nay tại Pháp đang rất "nóng" với các cuộc biểu tình, đình công rầm rộ chống dự luật cải cách chế độ hưu trí.

Những ngày qua, cơn khát nhiên liệu tại phi trường Roissy Charles de Gaulle đã được giải quyết nhờ các đường ống dẫn dầu đã hoạt động trở lại. Nhưng tình hình các trạm xăng dầu trên toàn nước Pháp lại không may mắn như thế. Công nhân của 10/12 nhà máy lọc dầu trên cả nước tuyên bố tiếp tục đình công, ngoài ra nhiều kho xăng dầu bị người phản đối đóng cửa. Đến hôm qua, theo ước tính của Liên đoàn Chất đốt và nhiên liệu Pháp, khoảng 2.000 trạm cung cấp nhiên liệu bị ảnh hưởng. Nếu tính thêm con số của hãng Total, tổng cộng 2.500 trạm trên toàn quốc đang "thiếu hoặc hoàn toàn cạn xăng dầu". Trước cảnh rồng rắn chờ đợi tại nhiều trạm xăng, Tỉnh trưởng của Marne và Ardennes đã khuyên dân chúng nên hạn chế sử dụng xe cộ. Tờ Le Figaro dẫn lời một quan chức thuộc Cơ quan Năng lượng quốc tế cho biết Pháp bắt đầu phải "lấn" vào lượng xăng dầu dự trữ dành cho công nghiệp.

Tình hình càng bất lợi cho Tổng thống Nicolas Sarkozy khi số lượng các trường cấp 3 bị đóng cửa hoặc ảnh hưởng do học sinh bãi khóa đã tăng rất cao trong hôm qua: từ 379 trường (theo Bộ Giáo dục Pháp) đến 1.200 trường (theo Liên đoàn học sinh cấp 3). Sinh viên đại học cũng bắt đầu chuẩn bị "tiếp lửa" cho học sinh cấp 3 trong chiến dịch bãi khóa. Các thượng nghị sĩ đảng Xã hội đối lập cũng tạo áp lực khiến việc bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách chế độ hưu trí tại Thượng viện dự kiến diễn ra hôm nay phải hoãn lại đến "sớm nhất là tối thứ năm", theo Chủ tịch Thượng viện Gérard Larcher. Tính đến nay, tờ Ouest-France ước tính, đình công và biểu tình làm Pháp thiệt hại mỗi ngày từ 300-400 triệu euro.

Một phần của văn hóa

Những ai từng ở Pháp ít nhất một năm chắc chắn đều nếm qua biểu tình, đình công. Trước đây, mỗi khi tôi cằn nhằn vì phải chen lấn vất vả mà vẫn không "lọt" vào tàu điện ngầm trong những lần đình công, chị bạn người Pháp lại cười tủm tỉm: "Đó là một phần của văn hóa Pháp". Quả đúng thế thật! Người Pháp mà "giận" chính phủ thì rất dễ biết, cứ nhìn ra đường là thấy hết. Những đợt biểu tình rầm rộ hàng triệu người như mấy tuần nay thì phải 1-2 năm mới diễn ra một lần, mà lần nào cũng làm chao đảo chính trường. Còn biểu tình vài chục ngàn người thì xảy ra như cơm bữa.

Xét theo ngành nghề, giáo dục và giao thông công cộng là những ngành "thích" biểu tình và đình công nhất vì nghiệp đoàn giao thông công cộng rất mạnh, còn ngành giáo dục có lợi thế sức trẻ của sinh viên - học sinh. Có thể nói hiếm có Bộ trưởng Giáo dục nào của Pháp chưa từng bị la ó phản đối trong các cuộc biểu tình của sinh viên. Có một số chủ đề rất "nhạy cảm" mà nếu chính phủ "đụng" vào, gần như ngay lập tức biểu tình, bãi công, bãi khóa sẽ nổ ra: chế độ hưu trí, việc quản lý các trường đại học, những quy định về tuyển dụng...

Nếu không kể đến những thiệt hại gây ra thì xuống đường ở Pháp đúng là "văn hóa". Không khí luôn như một lễ hội với nhiều màu sắc và âm thanh rộn rã. Tiếng còi, tiếng nhạc và những bài ca phản đối của người biểu tình hòa vào nhau. Mỗi ngành nghề sẽ mang "bản sắc" của mình xuống đường.

Trong đợt xuống đường năm 2007, vì quyền lợi bị ảnh hưởng, các thợ điện biểu tình rất đông, mang theo các loại xe chuyên dụng trong ngành điện. Hơn một năm sau, đến lượt các nhà nghiên cứu và sinh viên các trường đại học khoác blouse trắng đi khắp các nẻo đường để phản đối dự luật cải cách giáo dục đại học. Các nghiệp đoàn, đảng phái chính trị thì thả các quả khí cầu bay phấp phới... Người Pháp biểu tình rất vui vẻ và hoàn toàn không có bạo động. Một số cuộc xô xát với cảnh sát, đốt phá cửa hàng, xe cộ những ngày qua hay tại đợt biểu tình chống điều luật lao động CPE năm 2006 đều do những thanh niên nổi loạn hoặc thành viên các đảng cực đoan trà trộn vào.

Biểu tình cũng... nghỉ lễ

Các nghiệp đoàn được phép biểu tình công khai, với điều kiện phải "đăng ký" với chính quyền để cảnh sát ngăn đường trước, đồng thời lập chốt chặn để bảo đảm an ninh. Đình công, biểu tình kiểu Pháp cũng có nhiều điểm "không đụng hàng". Điều vô cùng đặc biệt là các cuộc biểu tình tại Pháp cũng... nghỉ lễ hay nghỉ hè. Như chiến dịch chống dự luật cải cách hưu trí lần này vốn bắt đầu từ tháng 7, nhưng các nghiệp đoàn đã tạm nghỉ 3 tháng vì trùng vào kỳ nghỉ hè. Biểu tình trở lại rầm rộ kể từ mùa tựu trường hồi đầu tháng 9 nhưng hết tuần này sẽ gián đoạn tiếp 1 tuần vì học sinh Pháp lại được nghỉ lễ Các Thánh. Người Pháp vốn rất thích đi nghỉ, với 5 tuần phép hằng năm hầu như năm nào họ cũng dành vài tuần để du lịch đó đây. Vì vậy, nếu hô hào biểu tình vào kỳ nghỉ, sự hưởng ứng sẽ không cao. Mặt khác, nếu tổ chức bãi công vào kỳ nghỉ, sẽ không tạo được tiếng vang do ít người bị ảnh hưởng...

Các ngành nghề tổ chức đình công cũng rất đa dạng. Nông dân phản đối việc nông sản bị ép giá sẽ đến trước các siêu thị... phát không sữa, trái cây, ngũ cốc cho những người qua đường. Các bác tài lái xe đường dài lại ưa chuộng "chiến thuật ốc sên", thả tay lái cho xe nhích từng chút một trên đường cao tốc. Từng có thời hải quan Pháp đình công bằng cách... làm việc tích cực hơn. Cứ một khách đi qua, họ lại "nhiệt tình" xét hành lý hàng giờ đồng hồ, khiến phi trường kẹt cứng... "Một phần của văn hóa Pháp" tuy rất vui vẻ, độc đáo nhưng cũng là một rào cản khiến chính phủ khó thực hiện những cải cách của mình.

Nguyễn Ngọc Lan Chi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.