Biển trên mặt trăng lớn nhất của sao Thổ sâu bao nhiêu?

25/01/2021 19:32 GMT+7

Các chuyên gia Đại học Cornell (Mỹ) ước tính biển Kraken Mare trên mặt trăng sao Thổ phải sâu ít nhất 300 m gần ở trung tâm của nó, và nước biển ở đây không phải là nước muối, mà là ethane và methane dưới dạng lỏng.

Kraken Mare, biển lớn nhất trên mặt trăng Titan của sao Thổ, chứa đầy ethane và methane dưới dạng lỏng, nằm gần cực bắc của hành tinh, và trải dài trên diện tích 400.000 km2, theo Space.com hôm 24.1.
Để rút ra kết luận trên, đội ngũ thiên văn học của đại học Mỹ đã phân tích dữ liệu do tàu vũ trụ Cassini thu thập khi bay ngang Titan vào ngày 21.8.2014.
Một trong các mục tiêu đầu tiên của con tàu là Ligeia Mare, vùng biển nhỏ nằm ở cực bắc của mặt trăng lớn nhất thuộc sao Thổ, nhằm tìm ra câu trả lời cho hiện tượng bí ẩn, liên quan đến sự xuất hiện và biến mất của “đảo ma thuật” trên bề mặt thiên thể này.

Kết xuất đồ họa mô phỏng biển Kraken Mare

NASA

Vào thời điểm đó, Cassini di chuyển với tốc độ 20.921 km/giờ, ở độ cao gần 1.000 km bên trên bề mặt Titan. Nhờ vào radar trên tàu, Cassini đo được độ sâu của biển Kraken Mare và Moray Sinus, một cửa sông ở phía bắc của vùng biển.
Trong khi độ sâu của Kraken Mare phải ít nhất 300 m, Moray Sinus cạn hơn, chỉ khoảng 85 m. Sở dĩ các chuyên gia Mỹ vẫn chưa xác định được điểm sâu nhất của biển Kraken Mare vì độ sâu của nơi này vượt quá năng lực đo của radar tàu Cassini.
Tác giả báo cáo Valerio Poggiali cho hay ngoài độ sâu ấn tượng, Kraken Mare còn thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu Trái đất vì kích thước của nó gần bằng Ngũ Đại Hồ ở Bắc Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.