Biến đổi khí hậu đe dọa an ninh Indo-Pacific

20/08/2020 07:00 GMT+7

Biến đổi khí hậu không chỉ gây ra những tác động trực tiếp đến môi trường của các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) mà còn là mối đe dọa đối với an ninh khu vực.

Mối đe dọa an ninh từ biến đổi khí hậu tại Indo-Pacific đang ngày càng lớn và cần được giới lãnh đạo các nước trong khu vực ưu tiên giải quyết. Đó là nội dung trọng tâm trong báo cáo Khí hậu và an ninh tại Indo-Pacific do Hội đồng quân sự quốc tế về khí hậu và an ninh (IMCCS) công bố gần đây. Được thành lập tại Hà Lan năm 2019, IMCCS quy tụ các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao, chuyên gia an ninh và viện nghiên cứu an ninh từ 38 nước; chuyên dự báo, phân tích và giải quyết các nguy cơ an ninh từ biến đổi khí hậu.

Thiên tai đe dọa an ninh

Indo-Pacific là khu vực dễ hứng chịu thiên tai nhất trên thế giới với 2 triệu người thiệt mạng vì bão lũ và các thảm họa tự nhiên khác gồm động đất và sóng thần từ năm 1970 - 2018, theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc. Người dân tại Indo-Pacific dễ bị ảnh hưởng từ thiên tai gấp 5 lần so với các khu vực khác. Trong số 10 thảm họa tự nhiên chết chóc nhất năm 2018 thì có tới 8 vụ xảy ra tại khu vực này.
Sự tập trung dân số và cơ sở hạ tầng tại các khu vực ven biển khiến Indo-Pacific dễ chịu tác động từ các cơn bão, mực nước biển dâng và xâm nhập mặn. Người dân mất nhà cửa phải di cư quy mô lớn dẫn đến bất ổn an ninh và xung đột, theo báo cáo của IMCCS.
Các cơ sở quân sự trên những hòn đảo ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương đối diện mối đe dọa hiện hữu từ biến đổi khí hậu. Năm 2013, quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do hạn hán nghiêm trọng kèm theo việc nước biển dâng.
Mặt khác, theo báo cáo của IMCCS, phần lớn dân số Indo-Pacific phụ thuộc vào nguồn tài nguyên biển nên càng dễ bị tác động. Nhiệt độ nước biển ngày càng tăng lên, đại dương bị a xít hóa do hấp thụ CO2 khiến nguồn hải sản bị suy giảm, đường di cư của các bầy cá cũng thay đổi. Cộng với nạn đánh bắt tận diệt, ồ ạt của một số nước, những vấn đề trên có thể gây gia tăng căng thẳng, nguy cơ xung đột tại các vùng biển chồng lấn lợi ích hoặc đang tranh chấp.

Nguy cơ tăng gấp bội

Biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm những căng thẳng an ninh sẵn có tại khu vực, đặc biệt là những mâu thuẫn liên quan nguồn nước. Cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc thường được nhắc đến như là cực thứ ba của trái đất vì có lượng băng tuyết khổng lồ. Số băng tuyết này là nguồn nước của nhiều con sông lớn ở châu Á, hỗ trợ cuộc sống của khoảng 2 tỉ người ở các vùng đồng bằng xung quanh. Theo báo cáo của IMCCS, việc xây dựng đập thủy điện ở thượng nguồn hoặc thay đổi dòng chảy các con sông dấy lên sự phản đối từ người dân ở các nước hạ nguồn vốn chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, gây gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa các nước và có thể dẫn đến xung đột.
Mặt khác, xung đột triền miên khiến cho các nước như Afghanistan hay Pakistan càng dễ bị thiệt hại do biến đổi khí hậu khi năng lực ứng phó và khả năng vực dậy sau thảm họa đã bị hao mòn. Điều này biến thành một vòng lặp, tạo điều kiện cho bạo lực tiếp diễn tại các quốc gia này. Bên cạnh đó, việc người dân không được tiếp cận với những dịch vụ xã hội cơ bản cũng có thể dẫn đến gia tăng số lượng các nhóm cướp biển và tội phạm có tổ chức nguy hiểm.
Phó đô đốc Mỹ về hưu Dennis McGinn, thành viên cấp cao của IMCCS, cho biết giới lãnh đạo quân sự và tình báo từ lâu đã cảnh báo về nguy cơ an ninh quốc gia từ những mối đe dọa như biến đổi khí hậu và đại dịch. “Covid-19 cho thấy vì sao chúng ta nên chú ý đến những mối đe dọa này, phải khống chế nguy cơ dựa trên khoa học và hành động quyết liệt trước khi tình hình vượt quá tầm kiểm soát”, ông McGinn nói.
Quân đội Mỹ hoạt động rầm rộ tại Indo-Pacific
Bộ Tư lệnh Indo-Pacific Mỹ ngày 19.8 cho biết 4 oanh tạc cơ B-1B, 4 chiến đấu cơ F-15, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và các chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ đã tham gia cuộc tập trận chung với lực lượng Nhật Bản trước đó một ngày tại vùng biển giữa Nhật Bản và bán đảo Triều Tiên. Cùng thời điểm, 2 oanh tạc cơ tàng hình B-2 của Mỹ tại căn cứ Diego Garcia thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến thuật ở Ấn Độ Dương. Trong khi đó, khu trục hạm Mỹ USS Mustin đi qua eo biển Đài Loan để xuống Biển Đông. Hải quân Mỹ thông báo hoạt động này tuân thủ luật pháp quốc tế và nhằm thể hiện cam kết của Mỹ với các đồng minh và đối tác trong khu vực.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.