Bí mật đằng sau quyết định của Nga đánh chiếm sân bay Kosovo

15/06/2020 22:46 GMT+7

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ ông là nhân vật then chốt trong vụ lực lượng Nga đánh chiếm và kiểm soát sân bay của Kosovo vào giai đoạn cuối của cuộc chiến Kosovo năm 1999.

Việc lính Nga kiểm soát sân bay Slatina ở ngoại ô thủ đô Pristina đã gây nên một trong những vụ đối đầu căng thẳng nhất giữa Nga và Phương Tây kể từ khi Chiến tranh lạnh chấm dứt.
Trong cuộc phỏng vấn được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia Rossiya-1 chiều 14.6, Tổng thống Putin đã chia sẻ về thời khắc dẫn đến quyết định của Nga vào lúc đó.
Ông Putin, khi ấy là người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, đã nhận được phương án quân sự theo đề xuất của Tổng tham mưu trưởng quân đội, đại tướng Anatoly Kvashnin.
“Và tôi nói với ông ấy rằng: “Nếu ông cảm thấy thích hợp thì cứ triển khai”,” ông Putin nhớ lại.
Cuộc chiến Kosovo, lúc đó thuộc Serbia và còn nằm trong Liên bang Nam Tư, bắt đầu từ năm 1998 và chấm dứt vào năm 1999 với sự can thiệp của NATO.
Quân đội Nga triển khai tại sân bay Pristina (Kosovo) năm 1999
Sau nỗ lực hòa giải bất thành giữa lực lượng Quân giải phóng Kosovo ly khai và chính quyền Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic, NATO đã tham chiến tại Kosovo và kết thúc với việc Tổng thống Milosevic đồng ý để quân NATO và Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại đây.
Tuy nhiên, Nga tức giận vì bị NATO từ chối cho tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình nên kéo quân từ Bosnia vào Kosovo và kiểm soát sân bay nói trên.
Dù Tổng tư lệnh NATO – tướng Mỹ Wesley Clark muốn tiến hành phong tỏa các đường băng của sân bay để Nga không thể sử dụng phi trường, trung tướng Anh Michael Jackson, tư lệnh lực lượng gìn giữ hòa bình NATO tại Kosovo, đã không tuân theo mệnh lệnh này.
Theo một số nguồn tin, tướng Jackson cho rằng động thái này có thể làm bùng nổ “chiến tranh thế giới thứ ba”.
Cuộc đối đầu được hóa giải sau khi Nga được phép đưa quân vào Kosovo và nằm ngoài quyền chỉ huy của NATO.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.