Bị binh sĩ nổi loạn bắt giữ, tổng thống Mali từ chức, giải tán quốc hội

Khánh An
Khánh An
19/08/2020 08:53 GMT+7

Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita thông báo từ chức khi đang bị các binh sĩ vũ trang nổi dậy bắt giữ.

Hãng Reuters ngày 19.8 đưa tin Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita từ chức và giải tán quốc hội, chỉ vài giờ sau khi các binh sĩ nổi dậy bắt giữ ông.
Với dáng vẻ mệt mỏi và đeo khẩu trang y tế, vị tổng thống 75 tuổi thông báo ngắn gọn việc từ chức trên truyền hình, sau khi các binh sĩ vũ trang bắt giữ ông cùng Thủ tướng Boubou Cisse và các quan chức hàng đầu khác.

Quân đội đảo chính ở Mali, tổng thống từ chức vì "còn lựa chọn nào khác đâu"

“Nếu hôm nay, một số thành phần trong lực lượng vũ trang muốn kết thúc bằng cách tự tay can thiệp thì thực sự tôi có lựa chọn nào không?”, ông phát biểu tại căn cứ quân sự ở Kati gần thủ đô Bamako, nơi ông bị giam giữ.
Hiện chưa rõ nhân vật nào lãnh đạo cuộc binh biến ở Mali, cũng như ai sẽ lãnh đạo thay ông Keita hay lực lượng nổi dậy muốn gì.

Nhiều người tập trung tại Bamako sau khi ông Keita tuyên bố từ chức

Ảnh: Reuters

Hình ảnh trên mạng xã hội được cho là tại căn cứ Kati cho thấy nhiều binh sĩ vũ trang vây quanh ông Keita và Cisse.
Suốt nhiều tháng qua, Mali thường xảy ra biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng và an ninh ngày càng kém tại quốc gia Tây Phi này, nơi các nhóm nổi dậy vẫn đang hoạt động.
Liên minh M5-RFP tổ chức các cuộc biểu tình cho biết họ ủng hộ hành động của nhóm binh biến, và phát ngôn viên Nouhoum Togo cho rằng đó “không phải là lật đổ bằng quân sự mà là cuộc khởi nghĩa”.
Hàng trăm người biểu tình chống chính phủ tràn vào quảng trường trung tâm ở Bamako để chào đón lực lượng nổi dậy lái các xe quân sự và nổ súng ăn mừng.
Pháp, Liên minh châu Phi và một số nước lên án hành động binh biến ở Mali, lo ngại rằng tình hình bất ổn sẽ lan rộng khắp khu vực Sahel tại Tây Phi. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres kêu gọi thả ông Keita và những người khác ngay lập tức.
“Tôi cực lực lên án việc bắt giữ Tổng ghống Keita, thủ tướng và các thành viên khác trong chính phủ Mali, và kêu gọi phóng thích họ ngay lập tức”, Chủ tịch Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat kêu gọi.
Phát biểu về tình hình Mali, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho hay Pháp “lên án mạnh mẽ nhất đối với sự việc nghiêm trọng này”. Còn đặc phái viên Mỹ đến Sahel J. Peter Pham cho hay Mỹ phản đối tất cả những sự thay đổi chính phủ ngoài hiến pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.