Bí ẩn dàn radar Liên Xô ở Chernobyl

30/04/2019 14:00 GMT+7

Hơn 3 thập niên kể từ thảm họa Chernobyl, một trong những hệ thống quân sự bí ẩn nhất của Liên Xô vẫn đứng sừng sững gần khu vực nhà máy điện hạt nhân.

Trong thời Chiến tranh lạnh, Liên Xô đã xây dựng dàn radar tầm xa khổng lồ được mệnh danh là “bức tường thép”, nằm gần Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl với kinh phí được cho là gấp đôi số tiền xây dựng nhà máy, theo tạp chí Newsweek.

Cơ sở tuyệt mật

Hệ thống radar có tên chính thức là Duga-3 hay Chernobyl-2 là một trong những cơ sở quân sự tối mật và quan trọng nhất của Liên Xô. Radar Duga-3 được bảo vệ bởi những lớp an ninh cực kỳ nghiêm ngặt và chỉ được nhắc đến bằng mã số hoặc tên giả. Trên bản đồ của Liên Xô, cơ sở này được ngụy trang là một trại hè cho học sinh trẻ em. Dân trong vùng thì được bảo rằng đây là một tháp phát sóng vô tuyến.
Duga-3 có cấu trúc cao lớn kỳ lạ như một bức tường thép, ước tính nặng 14.000 tấn. Với chiều cao 150 m và dài gần 700 m, dàn radar này được cho là tương đương một tòa nhà 50 tầng và có thể được nhìn thấy từ cách xa hàng ki lô mét.
Newsweek dẫn lời một số hướng dẫn viên tại Chernobyl cho hay khi Duga-3 còn hoạt động, có hơn 1.500 quân nhân, nhà khoa học, kỹ sư cùng gia đình sinh sống và làm việc tại cơ sở này. Thời đó được cho là có cả chung cư và nhà trẻ nhưng đều bị bỏ hoang sau thảm họa hạt nhân năm 1986. Dưới chân dàn radar là hàng đống những chiếc máy tính, máy vô tuyến cũ và xe hơi bị bỏ lại. Các tòa nhà từng được trang trí bằng những bức tranh tường tuyên truyền với hình binh lính và chiến đấu cơ Liên Xô nay cũng trở nên hoang phế.

Mục tiêu bí ẩn

Bức màn bí ẩn bao trùm Duga-3 kéo theo nhiều thuyết âm mưu, chẳng hạn như đây là hệ thống kiểm soát tâm trí của Liên Xô nhắm vào người Mỹ và những tín hiệu phát ra có thể thay đổi hành vi của con người hoặc thậm chí phá hủy tế bào não. Một số giả thuyết khác thì cho rằng mục tiêu của Duga-3 là nhằm gây nhiễu sóng của phương Tây hoặc gây trở ngại cho việc liên lạc với tàu ngầm, theo tờ The Sun. Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã vào đầu thập niên 1990, Nga bắt đầu cho giải mật một phần tài liệu liên quan đến Duga-3 cộng thêm nguồn tin tình báo phương Tây đã phần nào mang đến câu trả lời về hoạt động thật sự của dàn radar khổng lồ này.
Trên thực tế, Duga-3 được coi là một trong những trạm radar mạnh nhất của Liên Xô và có khả năng phát hiện sớm tên lửa đạn đạo liên lục địa của Mỹ bằng cách phát tín hiệu vào tầng điện ly. Ngoài Chernobyl, Liên Xô còn xây dựng một dàn radar tương tự tại vùng Viễn Đông, hướng về phía Mỹ.
Báo Fakty (Ukraine) dẫn lời ông Volodymyr Musiyets, cựu chỉ huy của cơ sở radar ở Chernobyl, cho biết mục đích duy nhất của Duga-3 là phát hiện cuộc tấn công hạt nhân nhắm vào lãnh thổ Liên Xô. “Duga-3 có thể phát hiện cuộc tấn công hạt nhân trong 2 - 3 phút đầu tiên kể từ khi tên lửa đối phương rời bệ phóng”, ông Musiyets nói. Lực lượng tình báo quân sự của NATO cũng đã từng tiếp cận và chụp được ảnh hệ thống radar này. Trong những báo cáo tình báo được giải mật sau này, NATO gọi Duga-3 là Steel Yard (Sân thép).
Bí ẩn dàn radar Liên Xô ở Chernobyl 1
Mái vòm mới bao bọc toàn bộ lò phản ứng số 4 Ảnh: EBRD

Chim gõ kiến Liên Xô

Liên Xô bắt đầu xây dựng hệ thống radar Duga-3 vào năm 1972 và lần đầu tiên phát đi những tín hiệu bí ẩn vào năm 1976. Do cần một lượng điện năng lớn để hoạt động nên radar được xây dựng gần Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl. Bộ phát sóng của hệ thống này phát ra những âm thanh lạch cạch liên hồi và được những người chơi vô tuyến điện nghiệp dư gọi là “Chim gõ kiến Liên Xô”. Theo tờ The Miami Herald, Liên Xô khi đó bị cáo buộc bất chấp những quy tắc quốc tế về phân chia tần số sử dụng và tự phát ra tín hiệu radar siêu mạnh trên bất cứ tần số nào mà nước này thấy hoạt động tốt. Vì vậy, “Chim gõ kiến Liên Xô” bị cho là gây ảnh hưởng hoạt động liên lạc của máy bay, việc phát sóng của các đài phát thanh, truyền hình hay hệ thống viễn thông trong nước lẫn những quốc gia lân cận. Để không bị ảnh hưởng bởi tín hiệu này, ti vi Liên Xô thường được gắn kèm một thiết bị chống nhiễu đặc biệt.
Các loại máy móc, thiết bị điện tử bị bỏ hoang Jorge Franganillo/Wikicommons
Hệ thống Duga-3 ngừng hoạt động từ năm 1989, 3 năm sau vụ nổ tại lò phản ứng số 4 ở nhà máy Chernobyl, gây ra một trong những thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Đến nay, giới quan sát vẫn chưa thống nhất về lý do Duga-3 “tắt đài”. Theo một số chuyên gia, vào thời điểm đó Chiến tranh lạnh đang đi đến hồi kết trong khi Liên Xô gặp nhiều khó khăn nên không thể duy trì nguồn lực cho radar. Các ý kiến khác cho rằng công nghệ này đã trở nên lạc hậu và bị thay thế bởi hệ thống cảnh báo từ vệ tinh chính xác hơn.
Vì từng được sử dụng cho mục đích quân sự nên mọi tài liệu liên quan đến Duga-3 đều bị tiêu hủy hoặc lưu trữ dưới dạng tuyệt mật ở Moscow. Năm 2002, Ukraine mở cửa khu vực Chernobyl để khai thác du lịch nhưng vẫn nghiêm cấm tiếp cận radar Duga-3 đến tận năm 2013. Hiện du khách đến Chernobyl có thể đến khu vực Duga-3 nếu đi theo đoàn có hướng dẫn. Ông Yaroslav Yemelianenko, Giám đốc Hãng du lịch Chernobyl Tour, cho CNN hay nhiều người tỏ ra choáng ngợp trước kích thước khổng lồ của dàn radar và coi đây là điểm đến chính của chuyến tham quan. 
Thảm họa hạt nhân Chernobyl khởi nguồn từ vụ nổ tại lò phản ứng số 4 của nhà máy điện vào rạng sáng 26.4.1986. Vụ nổ khiến 36 người thiệt mạng và hàng trăm người chết sau đó do các chứng bệnh liên quan, nhưng con số chính xác chưa từng được công bố. Một khu vực rộng lớn tại Ukraine, Belarus, Nga (lúc bấy giờ đều thuộc Liên Xô) cùng nhiều nước châu Âu bị bụi phóng xạ bao phủ. Hơn 350.000 cư dân của Chernobyl phải di tản và toàn bộ vùng bán kính 30 km xung quanh nơi xảy ra sự cố trở thành “vùng cấm”, không có người sinh sống. Theo AFP, giới chức Ukraine dự báo con người chỉ có thể sinh sống an toàn tại Chernobyl sau... 24.000 năm nữa. Sau thảm họa, một lớp vỏ bọc bằng bê tông đã được xây cấp tốc trong vòng 6 tháng để cô lập gần 200 tấn nhiên liệu phóng xạ, hạn chế phần nào tình trạng rò rỉ. Đến năm 2010, một vỏ bọc mới vững chắc hơn bắt đầu được xây dựng để che toàn bộ lò phản ứng số 4. Mái vòm bằng kim loại cao 105 m, dài 165 m, rộng 260 m và nặng 40.000 tấn được lắp ở bên ngoài, sau đó cho lên máng trượt để kéo đến chụp lên lò phản ứng vào cuối năm 2016. Công ty Bechtel (Mỹ), quản lý dự án xử lý tại Chernobyl, hôm 26.4 ra thông cáo cho biết đã lấp kín 2 đầu mái vòm và hoàn thiện lắp đặt các thiết bị cần thiết để dỡ bỏ toàn bộ lò phản ứng cũng như đưa 200 tấn nhiên liệu phóng xạ đến nơi an toàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.