Bê bối tài chính lớn nhất lịch sử Malaysia

Khánh An
Khánh An
24/05/2018 08:00 GMT+7

Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad quyết làm rõ vụ thất thoát khổng lồ của quỹ 1MDB do người tiền nhiệm Najib Razak thành lập.

Sau khi trả lời thẩm vấn trong khoảng 5 tiếng đồng hồ trước Ủy ban Chống tham nhũng (MACC) hôm 22.5, cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak được nghỉ ngơi 1 ngày trước khi quay lại cung cấp lời khai trong hôm nay 24.5, liên quan đến quỹ đầu tư nhà nước 1MDB. Đài CNA dẫn báo cáo kiểm toán cho rằng đây là vụ bê bối tài chính lớn nhất trong lịch sử nước này và chính phủ sẽ phải cần tới 42,26 tỉ ringgit (242.000 tỉ đồng) dàn xếp các khoản vay và lãi từ tháng 11.2015 - 5.2039.
700 triệu USD mờ ám
Được thành lập vào năm 2009, chỉ vài tháng sau khi ông Najib nhậm chức, quỹ 1MDB trực thuộc Bộ Tài chính có chức năng thúc đẩy các sáng kiến phát triển kinh tế dài hạn và thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, quỹ bị cho là đã thất thoát sơ bộ khoảng 4,5 tỉ USD và tờ The Guardian cho rằng đây là một trong những bê bối tài chính công lớn nhất thế giới.
Bất thường trong quản lý được cho là đã bắt đầu ngay trong năm thành lập khi 1MDB cùng Công ty tư nhân PetroSaudi International (PSI) của Ả Rập Xê Út thành lập liên doanh trị giá 2,5 tỉ USD, trong đó có 1 tỉ USD mượn từ ngân sách Malaysia. Tuy nhiên, giới điều tra cho rằng phần lớn số tiền từ phía Malaysia thực chất được chuyển đến tài khoản ở ngân hàng Thụy Sĩ của Công ty Good Star do ông Jho Low sở hữu. Ông Low là bạn thân của ông Riza Aziz, con riêng của vợ ông Najib. Ngoài ra, còn có dấu hiệu về hàng loạt sai phạm liên quan tới nhiều cá nhân, bao gồm cả cựu thủ tướng.
Năm 2015, dư luận Malaysia rúng động sau khi tờ The Wall Street Journal đưa tin cơ quan điều tra phát hiện gần 700 triệu USD được chuyển vào một số tài khoản cá nhân nghi của ông Najib từ các công ty, ngân hàng có liên kết với 1MDB. Cựu thủ tướng khi đó kiêm nhiệm vai trò Bộ trưởng Tài chính và Chủ tịch Hội đồng cố vấn của quỹ. Vụ việc gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ, trong đó có cả chỉ trích từ Phó thủ tướng Muhyiddin Yassin và Bộ trưởng Phát triển nông thôn Shafie Apdal. Cả hai người này sau đó bị cách chức trong kế hoạch “sắp xếp nhân sự” của ông Najib. Chưa hết, ông còn cách chức Bộ trưởng Tư pháp Abdul Gani Patail, người phụ trách nhóm điều tra đặc biệt về 1MDB, và thay bằng cựu thẩm phán Mohamad Apandi, nhân vật thân cận với đảng cầm quyền UMNO. Nhóm điều tra này đã giải tán sau khi ông Apandi kết luận rằng số tiền 700 triệu USD là “đóng góp cá nhân” từ Hoàng gia Ả Rập Xê Út.
Vòng vây siết chặt
Đến nay, ông Najib luôn bác bỏ mọi cáo buộc trong khi cơ quan chức năng đang cấp tập điều tra dưới sự chỉ đạo của tân Thủ tướng Mahathir Mohamad. Ngay sau khi nhậm chức, ông Mahathir khẳng định sẽ điều tra đến nơi đến chốn và không chấp nhận bất cứ thỏa thuận dàn xếp nào. Nhà lãnh đạo còn ra lệnh cấm xuất cảnh đối với vợ chồng người tiền nhiệm, Tổng giám đốc 1MDB Arul Kanda Kandasamy và 2 cựu quan chức cấp cao của quỹ.
Ngay sau đó, cảnh sát tiến hành lục soát văn phòng, tư dinh của ông Najib cùng các căn hộ cao cấp nghi có liên quan từ ngày 13.5. Cơ quan chức năng đã thu giữ 284 thùng chứa các túi xách hàng hiệu giá trị lên đến 200.000 USD/chiếc, bên cạnh đồng hồ, nữ trang và tiền mặt với số lượng “chưa thể đếm hết”.
Song song với việc thu thập thông tin, chính phủ vừa thành lập lực lượng đặc biệt nhằm truy tìm và thu hồi số tiền thất thoát này, cũng như hợp tác điều tra với các cơ quan chức năng Mỹ, Canada, Singapore và Thụy Sĩ. Bộ Tư pháp Mỹ đã xác nhận sẽ phối hợp với Malaysia tiến hành điều tra về nghi vấn tiền tham nhũng từ 1MDB đã được “rửa” thông qua một hệ thống nhiều công ty vỏ bọc và tài khoản ngân hàng trên thế giới, kể cả tại Mỹ.
Malaysia giảm lương nội các vì nợ công “khủng”
Tờ The Star dẫn phát biểu của Thủ tướng Mahathir Mohamad trong cuộc họp nội các đầu tiên của nhiệm kỳ vào ngày 23.5 cho biết lương cấp bộ trưởng sẽ giảm 10%, áp dụng ngay lập tức. Đây là một trong những động thái nhằm giải quyết nợ công lên đến 1.000 tỉ ringgit (5,72 triệu tỉ đồng), tương đương 65% GDP. Ngoài ra, chính phủ sẽ cho thôi việc khoảng 17.000 nhân viên hợp đồng cũng như giải thể Ủy ban Giao thông công cộng đường bộ và Cục Công tác đặc biệt. Ông Mahathir cũng sẽ cân nhắc lại các dự án lớn được phê duyệt dưới thời ông Najib, trong đó có tuyến đường sắt cao tốc nối Singapore với Kuala Lumpur.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.