Bê bối nghiêm trọng tại trường võ bị West Point

Bảo Vinh
Bảo Vinh
29/12/2020 17:05 GMT+7

Hàng chục sinh viên trường võ bị West Point phá bỏ quy tắc danh dự tại ngôi trường có lịch sử hàng trăm năm và đào tạo ra bao thế hệ tướng lĩnh hàng đầu của Mỹ.

Phá vỡ quy tắc

Bê bối gian lận thi cử tồi tệ nhất tại Học viện Quân sự Mỹ tại West Point (bang New York, còn gọi là trường West Point) trong hơn 4 thập niên qua vừa bị phanh phui, trong đó có tổng cộng 73 học viên bị điều tra.
Theo tờ USA Today, ban khảo thí của trường trong lúc chấm bài kiểm tra cuối kỳ môn toán hồi tháng 5 đã phát hiện bất thường, trong đó toàn bộ 73 học viên nói trên đều sai cùng một lỗi. Do đại dịch Covid-19 nên học kỳ và kỳ thi năm nay được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Sau quá trình điều tra và giải trình, hai học viên được miễn truy cứu vì thiếu bằng chứng trong khi 4 người khác tự động xin thôi học. Trong khi đó, có 55 học viên thừa nhận gian lận và bị kết luận vi phạm quy tắc danh dự của trường. Nhóm này sẽ phải tham gia chương trình cải tạo lại kéo dài ít nhất 6 tháng. Nhóm 12 người còn lại sẽ phải giải trình trước hội đồng học viên và sẽ chịu kỷ luật tùy theo phán quyết của hội đồng. Hiệu trưởng trường là người có tiếng nói sau cùng về quyết định.
Trường West Point được thành lập vào năm 1802 và ngày nay có hơn 4.000 học viên theo học. Theo trang Britannica, học viên muốn ghi danh phải từ 17 - 23 tuổi, chưa có gia đình hoặc con cái và phải có bằng phổ thông. Ngoài bài kiểm tra năng lực và thể chất, học viên cần được giới thiệu của nghị sĩ quốc hội.
Mỗi năm, có hơn 15.000 thanh niên ghi danh nhưng chỉ khoảng 1.200 người được nhận. “Đầu vào” tuy khó khăn nhưng khi ra trường, học viên sẽ nhận tấm bằng cử nhân và trở thành sĩ quan Lục quân Mỹ với cấp bậc thiếu úy và phải phục vụ tối thiểu 5 năm trong quân đội.

Nơi đào tạo hàng loạt lãnh đạo

Những học viên ưu tú nhất của học viện quân sự West Point phải kể đến là Tổng thống Mỹ Ulysses Grant (1869 - 1877), Tổng thống Dwight Eisenhower (1953 - 1961), hay nhà du hành Edwin Buzz Aldrin tham gia nhiệm vụ đưa con người đặt chân lên mặt trăng. Nhiều chính khách nước ngoài cũng từng theo học tại ngôi trường quân sự hàng đầu này, trong đó có cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos, tư lệnh Lục quân Hoàng gia Campuchia Hun Manet - con trai Thủ tướng Hun Sen.

Học viên dự lễ tốt nghiệp tại trường West Point hồi tháng 6

AFP

Ảnh hưởng thanh danh

Vụ bê bối gian lận thi cử này được cho là gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của trường West Point, nơi đặt ra quy tắc danh dự rằng: “Học viên không nói dối, gian lận, trộm cắp hay dung thứ cho những người làm điều đó”.
Vụ việc khiến một số giảng viên tại trường và nghị sĩ Mỹ bày tỏ lo ngại về sự ảnh hưởng đến quân đội Mỹ vì các học viên sau khi tốt nghiệp sẽ trở thành sĩ quan. Hạ nghị sĩ Jackie Speier, Chủ tịch Tiểu ban Quân nhân thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện bày tỏ sự lo âu về bê bối và kêu gọi học viện nên thành thật hơn về nạn gian lận trong trường. Đồng thời, bà Speier yêu cầu nhà trường phải đảm bảo học viên xứng đáng với uy tín và vinh dự khi được chọn vào học viện để sau này dẫn dắt quân đội, đất nước.
Chánh văn phòng trường West Point, ông Mark Weathers tỏ ra thất vọng về vụ gian lận nhưng cho rằng nếu học viên làm kiểm tra tại trường thì sẽ không xảy ra tình trạng này. Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy trấn an rằng hệ thống kỷ luật tại trường West Point đang vận hành hiệu quả và nhấn mạnh các học viên sẽ phải chịu trách nhiệm vì phá vỡ quy tắc.
Hồi năm 1976, 153 học viên tự nguyện thôi học hoặc bị đuổi học vì gian lận thi cử. Nhiều người trong số đó được nhận lại do cuộc điều tra và việc kỷ luật không được xử lý thích đáng, theo AFP. Ông Jeffrey Peterson, cố vấn cấp cao cho hiệu trưởng trường West Point nhận xét vụ việc lần này ít nghiêm trọng hơn năm 1976 vì hầu hết học viên sai phạm đều mới học năm nhất, trong khi bê bối trước đó liên quan đến học viên năm 3.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.