Bảo vệ đảo Guam, Mỹ dùng máy bay tàng hình răn đe Trung Quốc

13/12/2020 08:00 GMT+7

Mỹ vừa điều động chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-22 và oanh tạc cơ chiến lược tầm xa B-1 Lancer tập trận nhằm kiểm tra khả năng phòng thủ cho đảo Guam.

Lực lượng không quân Mỹ vừa thông báo ngày 10.12 đã điều động oanh tạc cơ B-1 Lancer, thuộc Phi đội ném bom viễn chinh 37 (EBS 37), xuất kích từ căn cứ Andersen trên đảo Guam bay đến Biển Đông. Tại vùng biển này, oanh tạc cơ B-1 đã tham gia cuộc huấn luyện nhanh với 2 chiến đấu cơ thế hệ 5 F-22 thuộc Phi đội tiêm kích 94 (FS 94).

Phòng thủ cho căn cứ ở đảo Guam

Theo thông cáo từ Không quân Mỹ, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) đóng vai trò là mặt trận ưu tiên của Lầu Năm Góc. Qua đó, Washington cam kết với an ninh và ổn định ở Indo-Pacific, không ngừng huấn luyện nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu của máy bay tiêm kích và oanh tạc cơ.

Oanh tạc cơ sau khi xuất kích khỏi đảo Guam ngày 10.12.

USAF

Chỉ huy phi vụ của nhóm chiến đấu cơ F-22 cho biết: “Nhiệm vụ lần này giúp chúng tôi phối hợp với oanh tạc cơ B-1 và một số lực lượng khác của không quân nhằm kiểm tra năng lực cảnh báo và khả năng sẵn sàng của căn cứ Andersen trước các mối đe dọa”. Theo vị chỉ huy, trong hoạt động lần này, F-22 đã được xuất kích khẩn cấp để đánh chặn mối đe dọa trên không.

Mối nguy từ Trung Quốc

Đảo Guam - nơi có căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở Indo-Pacific bị cho là đang đứng trước nguy cơ tấn công của Trung Quốc. Cuối tháng 9, truyền thông thế giới đưa tin về việc không quân Trung Quốc tung ra một đoạn video có nội dung mô phỏng oanh tạc cơ H-6K của nước này khai hỏa tấn công căn cứ quân sự Andersen của Mỹ ở đảo Guam.

Chiến đấu cơ F-22 chuẩn bị xuất kích từ căn cứ Andersen vào ngày 10.12.

USAF

Mặc dù đoạn video được cắt ghép thêm hình ảnh từ phim của Hollywood, nhưng thực tế thì theo báo cáo cập nhật ngày 18.9, về hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, vừa được trình lên Quốc hội Mỹ, Guam đang đứng trước nhiều nguy cơ bị tấn công bởi tên lửa đạn đạo. Báo cáo dẫn lời đô đốc Phil Davidson, Tư lệnh Indo-Pacific - Hải quân Mỹ, cho rằng đảo Guam đang là nơi đặt rất nhiều khí tài, vũ khí, máy bay chiến đấu… trị giá nhiều tỉ USD. Theo đô đốc Phil Davidson, căn cứ quân sự Mỹ ở đảo Guam đang đối mặt thách thức từ Trung Quốc.
Thời gian qua, Trung Quốc thường xuyên quảng bá việc sở hữu các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và liên lục địa. Trong đó, truyền thông Trung Quốc còn gọi tên lửa đạn đạo Đông Phong 26 (DF-26) là “tên lửa diệt Guam” vì có tầm bắn 4.000 km, đủ sức từ Trung Quốc đại lục bắn đến đảo Guam. Cuối tháng 8, Trung Quốc đã bắn thử 2 tên lửa Đông Phong 21 (DF-21) và DF-26 tới Biển Đông. Hành động này được cho là nhằm răn đe cả hải quân Mỹ.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã thử nghiệm việc khai hỏa tên lửa DF-21 từ máy bay ném bom H-6K. Đây là dòng máy bay chiến đấu xuất hiện trong video mà không quân Trung Quốc tung ra ở trên.

Trung Quốc "mượn" phim Hollywood làm video mô phỏng tấn công căn cứ Mỹ?

Trong khi đó, trên các đảo nhân tạo Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, Bắc Kinh đã xây dựng nhà chứa máy bay, đường băng đủ sức đáp ứng cho máy bay thuộc dòng oanh tạc cơ H-6 hoạt động. Vì thế, từ Trường Sa, máy bay H-6K có thể dễ dàng cất rồi tiếp cận phóng tên lửa DF-21 đến đảo Guam.
Trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) đã nhận định: “Lâu nay “lá chắn” cho đảo Guam chủ yếu dựa vào các chiến hạm được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis. Giờ đây, do chiến lược Indo-Pacific, Mỹ điều chiến hạm về phía tây Thái Bình Dương ngày càng nhiều hơn, nên không còn đủ số chiến hạm với hệ thống Aegis để phòng thủ cho đảo Guam”.
Tuy nhiên, việc xây dựng hệ thống Aegis trên bờ cho đảo Guam khó có thể được tiến hành sớm. Chính vì thế, động thái sử dụng không quân đánh chặn là một giải pháp hiệu quả để bảo vệ đảo Guam. Vì thế, cuộc tập trận của F-22 và B-1 mang ý nghĩa quan trọng để răn đe mối đe dọa từ Bắc Kinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.