Báo Mỹ: Trung Quốc và tham vọng quân sự toàn cầu

01/03/2016 07:00 GMT+7

Với các cơ sở quân sự, cảng nước sâu từ Sri Lanka tới Djibouti, và chương trình đóng tàu sân bay, Trung Quốc đang thực hiện tham vọng kép mở rộng sức mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự trên toàn thế giới.

Với các cơ sở quân sự, cảng nước sâu từ Sri Lanka tới Djibouti, và chương trình đóng tàu sân bay, Trung Quốc đang thực hiện tham vọng kép mở rộng sức mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự trên toàn thế giới.

Sáng kiến Một vành đai - một con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện tham vọng của Bắc Kinh ở cả lĩnh vực kinh tế lẫn quân sự - Ảnh: ReutersSáng kiến Một vành đai - một con đường của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thể hiện tham vọng của Bắc Kinh ở cả lĩnh vực kinh tế lẫn quân sự - Ảnh: Reuters

Đó là nội dung bài viết trên báo Mỹ The Daily Beast ngày 29.2, cho rằng Trung Quốc đang mở rộng sức mạnh quân sự ra toàn cầu một cách chậm rãi nhưng không ngừng nghỉ.

Trong lúc các nước láng giềng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn đang chỉ trích Trung Quốc về các hoạt động xây đắp, quân sự hóa trên các bãi đá tranh chấp, Bắc Kinh có vẻ đang tính toán xa hơn. Sáng kiến về “Một vành đai – Một con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ mang tham vọng giúp Bắc Kinh làm trọng tâm cho những con đường kinh tế mới, mà còn đánh sang lĩnh vực quân sự ở châu Phi và Trung Đông.

Djibouti, một nước nhỏ nằm trong khu vực Sừng châu Phi nhưng có một vị trí rất quan trọng vì nằm gần eo biển Bab al-Mandeb tấp nập tàu thuyền. Ngoài ra, nó cũng là cánh cửa dẫn từ Vịnh Aden vào Biển Đỏ, và nằm tiếp giáp bờ biển Somalia. The Daily Beast nhận xét rằng bất kỳ ai kiểm soát được vị trí chiến lược Djibouti cũng coi như làm chủ một điểm mốc quan trọng với thương mại toàn cầu.

Chính vì vậy, đây là nơi có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản. Nay Djibouti cũng là nơi Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Căn cứ này nằm ở khu vực Obock phía bắc của Djibouti, cũng là nơi một căn cứ của Mỹ hết hợp đồng thuê mướn vào tháng 8.2015, theo The Daily Beast.

Một cảng ở Djibouti. Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng cơ sở quân sự đầu tiên ở nước ngoài của nước này tại đây, có thể làm tiền đề cho những dự án tương tự - Ảnh: Reuters

Tại Djibouti, người ta vẫn còn thấy Trại Lemonier, một căn cứ quân sự tiêu tốn của Mỹ 70 triệu USD mỗi năm cho tiền thuê và viện trợ phát triển. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã “chơi đẹp” với Djibouti trong thỏa thuận đưa 10.000 lính đến Obock, với lời hứa hoàn thành các tuyến đường sắt 3 tỉ USD nối Djibouti với thủ đô Addis Ababa của Ethiopia, cùng một khoản đầu tư 400 triệu USD mở rộng và hiện đại hóa cảng quốc gia của Djibouti.

Trong kế hoạch của mình, Trung Quốc nói rằng Obock sẽ là một căn cứ hậu cần và trung tâm tiếp tế, nhằm giúp Bắc Kinh đối phó với nạn cướp biển và đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Ngoại trưởng Djibouti, ông Mahamoud Ali Youssouf nói với báo chí rằng: “Mục tiêu của căn cứ trên là chiến đấu với cướp biển và hầu hết sẽ bảo vệ tàu Trung Quốc, bảo vệ eo biển quan trọng này, và điều đó cũng quan trọng với tất cả các nước trên thế giới”.

Những con tàu Trung Quốc do ông Ali Youssouf đề cập là tàu chở dầu. The Daily Beast dẫn một thông tin từ hãng tin Bloomberg rằng Trung Quốc đã mua nửa triệu thùng dầu thô - vượt quá nhu cầu hằng ngày của nước này - trong 7 tháng đầu năm 2015. Bằng cách này, Trung Quốc đã tiết kiệm 460 tỉ USD mỗi năm từ nhập khẩu hàng hóa, và 320 tỉ USD trong số đó xuất phát từ dầu giá rẻ.

Căn cứ mới của Trung Quốc ở Djibouti có thể xem là một phần trong chính sách của nước này tại châu Phi và Trung Đông. Cuối tháng 12.2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết tài trợ  60 tỉ USD cho các nước châu Phi. Tháng 1.2016, ông Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Iran, Ả Rập Xê Út và Ai Cập.

Sau khi góp mặt trong việc tháo gỡ cấm vận từ cuộc đàm phán hạt nhân Iran, Trung Quốc đã ký 17 thỏa thuận hợp tác với nước này, tăng cường thương mại song phương lên 600 tỉ USD trong 10 năm tới. Với Ai Cập, Trung Quốc cho Ngân hàng Trung ương nước này vay 1 tỉ USD dự trữ ngoại tệ. Với Ả Rập Xê Út, Trung Quốc cũng làm sống lại các cuộc giao dịch dầu thô. Trong nhiều năm trước, Ả Rập Xê Út là nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc trước khi bị Nga chiếm vị trí này.

Với những áp lực từ nhiều phía trên Biển Đông, Djibouti và các khu vực khác chính là cách để Trung Quốc tự bảo vệ các dự án của mình, The Daily Beast khẳng định.

Tại Sri Lanka, Trung Quốc đang xây dựng thành phố cảng Colombo (dự án Port City) và sẽ sở hữu thành phố cảng này khi nó bắt đầu hoạt động.

Và trong lúc khó hoàn thành dự định chuyển đổi cảng Chittagong của Bangladesh do sự có mặt của Nhật Bản, Trung Quốc cũng đang ngầm đầu tư ở Pakistan. Một doanh nghiệp của Trung Quốc được cho đã ký hợp đồng thuê 40 năm nhằm kiểm soát khu vực thương mại tự do ở càng Gwadar của Pakistan.

Sơ đồ "Chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc xuyên qua những khu vực trọng điểm của kinh tế biển trải dài từ châu Á, Trung Đông sang châu Phi - Đồ họa: Hoàng Đình/Eurosoberana

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đầu tư 2,5 tỉ USD vào dự án đường ống dẫn dầu từ tỉnh Vân Nam tới đảo Maday của Myanmar. Tại quần đảo Seychelles ở Ấn Độ Dương ngoài khơi Đông Phi, Trung Quốc sử dụng cảng Victoria làm điểm tiếp nhiên liệu cho các tàu Trung Quốc tham gia chống cướp biển, và tặng một con tàu tuần tra cho Seychelles.

Nắm lấy phần lớn các cảng, mạng lưới huyết mạch hàng hải lớn như vậy, Trung Quốc không chỉ đang hoàn thành mục tiêu kinh tế biển, mà còn là cơ sở để hải quân nước này có thể triển khai sức mạnh trên toàn cầu, theo The Daily Beast.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.