Bạo lực nội bộ ám ảnh quân đội Hàn Quốc

14/08/2014 09:00 GMT+7

Quân đội Hàn Quốc đang đau đầu trước tình trạng bắt nạt, dẫn đến nhiều vụ án mạng, tự sát và xả súng gây chấn động thời gian gần đây.

 
Binh sĩ Hàn Quốc trong chiến dịch truy lùng binh sĩ Lim xả súng vào đồng đội hồi tháng 6.2014 - Ảnh: Reuters

Quân đội Hàn Quốc vừa thông báo 2 binh sĩ bộ binh tự treo cổ và một lính thủy đánh bộ tự sát bằng súng trong lúc diễn tập, theo tờ The Korea Herald ngày 13.8. Trong đó, 2 binh sĩ bộ binh thuộc Sư đoàn 28 của lục quân Hàn Quốc đóng gần biên giới liên Triều để lại thư tuyệt mệnh cho thấy họ có thể đã bị bạo hành trong doanh trại. Một người viết rằng anh ta muốn giết chết chỉ huy còn người kia bày tỏ mình không thể chịu đựng được “sự khắc nghiệt” trong doanh trại nữa. Những cái chết này xảy ra đúng một tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo phải xin lỗi gia đình một binh sĩ họ Yoon, cũng thuộc Sư đoàn 28, bị đồng đội và cấp trên đánh chết. Bộ Quốc phòng cũng xin lỗi quốc dân về nạn bắt nạt trong quân đội và Yonhap dẫn lời ông Han nói tình trạng này “đáng lẽ không thể xảy ra trong một xã hội văn minh của thế kỷ 21”.

Bị đánh gần 100 lần/ngày

Binh sĩ Yoon, 23 tuổi, bị đánh chết ngày 6.4, nhưng vụ việc mới được công bố gần đây. Cụ thể, Yoon bị 6 người đánh vào ngực tại một doanh trại gần biên giới liên Triều trong lúc đang ăn. Hậu quả là Yoon tử vong do thức ăn gây nghẽn đường thở, theo Yonhap. Giới công tố Hàn Quốc khẳng định khoảng một tháng sau khi được điều đến Sư đoàn 28 từ ngày 2.3.2014, Yoon bị đánh gần 100 lần/ngày, bị bắt phải thức tới 3 giờ sáng và thường xuyên phải nuốt kem đánh răng. Thậm chí nhiều “huynh trưởng” còn ra lệnh Yoon liếm nước dãi họ khạc xuống đất và bắt nạn nhân thoa thuốc mỡ vào bộ phận sinh dục, một hành vi có thể bị khép tội quấy rối tình dục. Kết luận pháp y cho thấy trên thi thể Yoon đầy vết thâm tím do những trận đòn của đồng đội.

Đến nay, giới chức đã truy tố 4 binh sĩ về tội ngộ sát và 2 người còn lại về tội hành hung. Tuy nhiên, dư luận Hàn Quốc đang giận dữ đòi những người này phải bị xét xử với tội danh giết người. Theo Yonhap, còn có 16 sĩ quan bị kỷ luật trong khi Tham mưu trưởng lục quân Hàn Quốc Kwon Oh-sung đã đệ đơn xin từ chức.

Nguy cơ an ninh

Những vụ việc trên càng khiến dư luận Hàn Quốc thêm chấn động. Họ vốn chưa hết bàng hoàng sau khi binh sĩ họ Lim ném lựu đạn và xả súng giết chết 5 đồng đội rồi bỏ trốn dẫn tới một chiến dịch săn lùng quy mô lớn cuối tháng 6. Sau hơn một tháng điều tra, quân cảnh Hàn Quốc kết luận động cơ gây án là Lim bị bắt nạt và bỏ mặc trong doanh trại, theo Yonhap. Hồi năm 2005, một binh sĩ cũng đã ném lựu đạn rồi xả súng vào đồng đội tại một doanh trại gần biên giới liên Triều, khiến 8 người chết và 2 người bị thương. Gần 6 năm sau đó, một lính thủy đánh bộ xả súng vào một đơn vị đóng dọc bờ biển trên đảo Ganghwa, gần biên giới biển liên Triều, khiến 4 người chết. Kết quả điều tra cho thấy 2 người này đều là nạn nhân của nạn bắt nạt. Sau mỗi vụ, quân đội Hàn Quốc đều cam kết sẽ nỗ lực hết mình để ngăn chặn những trường hợp tương tự nhưng rồi đâu lại vào đấy. Điều nguy hiểm là đa phần các vụ đánh chết người, tự sát, xả súng… đều xảy ra trong các đơn vị đóng gần biên giới với CHDCND Triều Tiên nên thường gây ra nguy cơ an ninh rất lớn. Chưa kể tới nguy cơ trực tiếp là miền Bắc lợi dụng lúc hỗn loạn để có hành động tấn công hoặc cài gián điệp; tình trạng bạo lực nội bộ khiến tinh thần binh sĩ Hàn Quốc không được ổn định, đặc biệt là trong các đơn vị giữ nhiệm vụ sống còn là bảo vệ giới tuyến liên Triều.

Yonhap dẫn lời giới quan sát nhận định tình trạng bắt nạt xuất phát một phần từ văn hóa khắc nghiệt, cứng nhắc cũng như truyền thống “đàn em phải phục tùng” trong quân đội Hàn Quốc. Ngoài ra, khả năng đánh giá điều kiện tâm lý của binh sĩ để triển khai tới khu vực biên giới cũng có vấn đề. Trước thực trạng trên, Bộ Quốc phòng ngày 13.8 đã công bố kế hoạch mới cho phép cha mẹ binh sĩ được đến thăm con thường xuyên hơn, khen thưởng những người tố cáo tình trạng bắt nạt, cả về thể chất lẫn tinh thần, đồng thời lập một hệ thống mạng chuyên tư vấn, giúp đỡ những binh sĩ gặp vấn đề trong doanh trại.

Nhiều gia đình hoang mang

Hiện nay, nhiều gia đình Hàn Quốc có con đang hoặc sẽ nhập ngũ vừa phẫn nộ vừa lo sợ. Tờ The Korea Times dẫn lời một bà mẹ có con sắp nhập ngũ kể bà mất ngủ triền miên sau khi nghe tin về cái chết của binh sĩ Yoon. “Tôi thật sự không muốn đưa đứa con trai duy nhất của tôi vào quân đội... Nếu có thể, thà tôi rời khỏi đất nước này để con tôi không phải nhập ngũ”, bà nói. Trong khi đó, con trai của nhiều quan chức cấp cao Hàn Quốc bị tố là thường tìm cách nhập quốc tịch nước ngoài để trốn nghĩa vụ quân sự, vốn bắt buộc đối với tất cả công dân nam ở nước này. Hồi năm ngoái, tờ The Korea Herald đăng kết quả điều tra cho thấy 16 người là con của giới chức cấp cao đã bỏ quốc tịch Hàn Quốc để không phải nhập ngũ.

Văn Khoa

>> Quân đội Hàn Quốc bắt sống binh sĩ bắn chết 5 đồng đội
>> Quân đội Hàn Quốc tăng cường cảnh giác
>> Quân đội Hàn Quốc chống nói tục
>> Tổng tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc từ chức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.