Bạo lực leo thang tại Trung Đông

Bảo Vinh
Bảo Vinh
16/05/2018 06:45 GMT+7

Căng thẳng tại Bờ Tây và biên giới giữa Dải Gaza với Israel ngày càng nóng bỏng trong khi nhiều nước kêu gọi điều tra cái chết của người biểu tình.

Ngày 15.5, hàng chục ngàn người Palestine tiếp tục xuống đường tại Bờ Tây và biên giới giữa Dải Gaza với Israel để phản đối việc Mỹ dời đại sứ quán đến Jerusalem. Đợt đại biểu tình còn nhằm đánh dấu 70 năm ngày hàng trăm ngàn người Palestine rời khỏi Jerusalem sau sự kiện thành lập nhà nước Do Thái năm 1948. Chính quyền Gaza thông báo số người thiệt mạng do trúng đạn của binh lính Israel hoặc ngạt khói đã tăng lên ít nhất 60 người cùng gần 2.800 người bị thương, theo Reuters.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas lên án hành động trấn áp của Israel là “cuộc thảm sát” và tố cáo việc Mỹ dời đại sứ quán “gây kích động bất ổn”. Đáp lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng việc binh lính nổ súng tại biên giới là “hành động tự vệ của một quốc gia có chủ quyền” trước ý định của phong trào Hamas nhằm “xâm phạm và phá hủy nhà nước Israel”. Mỹ cũng quy trách nhiệm cho Hamas về cái chết của người biểu tình khi tuyên bố chính phong trào này đã “cố tình kích động sự phản ứng” từ Tel Aviv.
Tình hình càng thêm đáng quan ngại khi các bên đều không tỏ dấu hiệu xuống thang. Binh lính Israel hôm qua được tăng cường tại biên giới, còn Bộ trưởng Công an Gilad Erdan kiến nghị Thủ tướng Netanyahu cần áp dụng trở lại chiến dịch ám sát giới thủ lĩnh Hamas nếu phong trào này tiếp tục “gây xung đột”, theo tờ Haaretz. Trong khi đó, Hamas thề sẽ có hành động trả đũa “ngay lập tức” sau “vụ thảm sát”.
Cùng ngày, Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhóm họp vào ngày 19.5 để xem xét lại quan hệ với Israel, đồng thời triệu hồi đại sứ tại Israel về nước. CH Ireland triệu tập đại sứ Israel để bày tỏ sự phản đối, còn Ả Rập Xê Út và Pháp tiếp tục chỉ trích việc Mỹ dời đại sứ quán về Jerusalem. Anh và Đức thì kêu gọi các bên kiềm chế và tiến hành điều tra độc lập về việc sử dụng vũ lực đối với người biểu tình.
Cũng trong hôm qua, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực leo thang và tổn thất nhân mạng trong các cuộc biểu tình. “Điều cấp bách là phải hết sức kiềm chế nhằm tránh mất mát thêm nhân mạng”, ông viết trên Twitter.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.