Báo động cơ thể người gần đến mức tới hạn

16/08/2019 14:30 GMT+7

Trời nắng gắt và nhiệt độ liên tục đột phá mức kỷ lục trên toàn cầu đang đẩy cơ thể con người đến mức giới hạn cho phép để có thể vận hành một cách bình thường.

Đợt nắng nóng kỷ lục vừa quét qua châu Âu trong tuần cuối tháng 7, với nhiệt kế nhiều nơi vượt mốc 40oC ở không ít quốc gia thuộc châu lục già. Cụ thể, Paris (Pháp) ghi nhận kỷ lục mới 42,6oC vào ngày 25.5; Gilzen-Rijen (Hà Lan) là 40,7oC; Lingen (Đức) 42,6oC; Begijnendijk (Bỉ) 41,8oC, theo chuyên trang AccWeather.
Thế nhưng, mức nhiệt độ này không thể nào so sánh với Nam Á, Trung Đông và vịnh Ba Tư, nơi người dân đang phải chịu đựng dưới cái nóng chết chóc lên đến 54oC. Đài France24 dẫn thông tin từ Tổ chức Khí tượng thế giới cho biết Mitrabah (Kuwait) đạt mức nhiệt độ 54oC vào ngày 21.7, còn Basra của Iraq ghi nhận 53,9oC hôm 11.7.
Nếu theo đà trên, những khu vực vừa đề cập sẽ nhanh chóng vắng bóng con người, theo nhà khoa học khí hậu, tiến sĩ Tom Matthews thuộc Đại học Loughborough (Anh) trao đổi với Tạp chí The Conversation. Khi nhiệt độ không khí vượt qua ngưỡng 35oC, cơ thể người dựa vào cơ chế đổ mồ hôi để giữ thân nhiệt ở mức an toàn. Tuy nhiên, vào thời điểm nhiệt độ “bầu ướt”, phản ánh khả năng hơi nước có thể bốc hơi, lên đến mức 35oC, cơ chế thoát nhiệt tự nhiên không còn hoạt động. Tiến sĩ Matthews phân tích: “Một khi ngưỡng nhiệt độ bầu ướt bị phá vỡ, không khí đầy hơi nước khiến mồ hôi không còn có thể bốc hơi”. Hậu quả là cơ thể người vô phương tự làm nguội để có thể sống sót trong vài giờ.

[VIDEO] Khí hậu ấm lên: đúng là chuyện toàn cầu, và không phải "chu kỳ" tự nhiên

“Không có phương tiện tản nhiệt, nhiệt độ nội tại của cơ thể tăng lên, bất chấp chúng ta uống nước nhiều đến cách mấy, hoặc luôn ở trong bóng râm, hoặc nghỉ ngơi nhiều đến mức có thể”, theo tiến sĩ. Đáng báo động là một số khu vực, thuộc những nơi đông dân cư nhất trên địa cầu, có thể vượt ngưỡng bầu ướt vào cuối thế kỷ này. Đã có chứng cứ cho thấy nhiệt độ bầu ướt đang diễn ra tại Tây Nam Á. Nếu có thể duy trì nguồn điện, con người vẫn có thể miễn cưỡng sống tại các khu vực đó, nhưng một khi cúp điện, hậu quả không thể tưởng nổi.
Trong báo cáo gần đây trên chuyên san Nature Climate Change, TS Matthews và nhóm của ông đang tìm hiểu về khả năng xảy ra sự kiện tạm gọi là “thiên nga xám”, theo đó cái nóng khắc nghiệt đi cùng với tình trạng mất điện. Ở một số trường hợp, mất điện trên diện rộng thường là hậu quả theo sau những trận siêu bão khủng khiếp, như điều đã xảy ra tại Puerto Rico sau khi bão Maria hoành hành.
“Chúng tôi phát hiện trong lúc khí hậu ấm lên toàn cầu, sau những trận siêu bão thường là cái nóng nguy hiểm, và tổ hợp chết người này có thể xuất hiện mỗi năm nếu nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 4oC”, tiến sĩ cho biết. Vì vậy, giới chuyên gia cho rằng khi ứng phó thiên tai và cứu trợ vùng bão lũ, việc giữ thân nhiệt con người được ổn định cũng quan trọng tương đương với công tác cung cấp nước sạch để nạn nhân uống.

[VIDEO] Paris "sống sót" qua những ngày nóng nhất lịch sử ra sao?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.