Bán trinh để thoát nghèo ở Myanmar

17/08/2015 12:23 GMT+7

(TNO) Wut Yee, lúc bấy giờ mới 14 tuổi, suy sụp khi mẹ cô nói bà đồng ý bán trinh con gái mình cho một doanh nhân với giá 3.000 USD để trả những món nợ chồng chất của gia đình.

(TNO) Wut Yee, lúc bấy giờ mới 14 tuổi, suy sụp tinh thần khi mẹ cô nói bà đồng ý bán trinh con gái mình cho một doanh nhân với giá 3.000 USD để trả những món nợ chồng chất của gia đình.

>> Chuyện gái mại dâm ở Ấn Độ

Gái mại dâm Myanmar trong một nhà thổ đội lốt tiệm mát xa ở thị trấn Jiegao, phía nam Trung Quốc, sát biên giới Myanmar - Trung Quốc - Ảnh: AFP
Wut phải bỏ học để phụ giúp việc nhà, trông nom em trai. Mùa mưa đến cũng là lúc gia đình cần phải sửa lại mái nhà lá xiêu vẹo dột nát ở ngoại ô thành phố Yangon, Myanmar. Không những vậy, gia đình cô còn phải gồng mình trả các món nợ và đóng tiền học phí cho em trai của Wut. Mẹ cô làm gái mại dâm để trang trải các chi phí này, theo Reuters ngày 17.8.
“Sáng hôm đó, tôi đi theo một người đàn ông sau khi được tiêm thuốc tê. Người đàn ông lái xe hơi chở tôi đến một căn nhà. Tôi đã ở cùng ông ấy suốt cả ngày”, Wut, bây giờ 16 tuổi, kể lại câu chuyện của cô cách đây hai năm. Wut không phải là tên thật của cô gái này.
“Nhờ thuốc tê, tôi không cảm thấy đau khi người đàn ông đưa tôi trở về nhà vào buổi chiều hôm đó, nhưng tôi không thể đi đứng bình thường”, Wut kể lại.
Sau đó, Wut bán dâm trong một nhà thổ đội lốt tiệm mátxa gần chợ Bayint Naung, một khu mua bán đông đúc ở Yangon. Nhưng Wut thôi việc sau 2 tháng và chuyển ra đứng đường đón khách mua dâm.
Không thể xác định chính xác có bao nhiêu trẻ vị thành niên như Wut bán dâm ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar với dân số 5,2 triệu người. Các nhà hoạt động xã hội cảnh báo ngày càng nhiều trẻ vị thành niên phải đi bán dâm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn.
“Vấn nạn này có liên quan trực tiếp đến sự nghèo khó. Điều quan trọng nhất là xã hội không nên chỉ trích trẻ vị thành niên bán dâm, mà cần phải thấu hiểu điều gì đã xảy ra và hướng chúng đi đúng đường”, ông Sid Naing, giám đốc Marie Stopes International Myanmar - tổ chức phi chính phủ chuyên thực hiện những chương trình giáo dục y tế cộng đồng, cho biết.
Thị trường mua bán trinh
Ông Naing nói tệ nạn mua bán trinh trẻ vị thành niên không ngừng gia tăng một phần do nhiều người mê tín ở Myanmar tin rằng quan hệ tình dục với thiếu nữ còn trinh có thể giúp họ làm ăn phát đạt, có lợi về mặt sức khỏe, nâng cao tuổi thọ, thậm chí chữa được... HIV/AIDS.
Nhiều trẻ vị thành niên rời khỏi những vùng nông thôn nghèo khó đến thành phố kiếm tiền phụ giúp gia đình, nhưng không có nhiều cơ hội việc làm, theo bà Thu Zar Win thuộc tổ chức phi chính phủ Sex Worker in Myanmar Network, chuyên hỗ trợ gái mại dâm bỏ nghề tìm việc làm khác.
“Đa số trẻ em ở Myanmar bán dâm vì bị chính cha mẹ chúng bán trinh”, bà Win nói.
Reuters dẫn lại các thống kê của chính phủ Myanmar và Liên Hiệp Quốc công bố trong năm 2013 cho thấy khoảng 0,45% phụ nữ Myanmar trong độ tuổi 15-49 (tức khoảng 40.000 - 80.000 người) bán dâm, trong khi mại dâm là bất hợp pháp ở Myanmar.
Poh Poh, gái bán dâm 21 tuổi, cho hay đa số cô gái trở thành gái mại dâm vì bị bán trinh. Nhiều cô gái làm việc trong những nhà thổ đội lốt tiệm hớt tóc, gội đầu hay tiệm mátxa - những nơi an toàn hơn so với đứng đường, Poh cho hay. Cũng như Wut, Poh cũng yêu cầu được giấu tên thật của cô.
“Tôi rất sợ phải đứng đường chờ khách hàng”, Poh nói. Cô là một bà mẹ đơn thân trở thành gái mại dâm sau khi ly dị chồng cách đây một năm.
Các nhà làm luật đảng đối lập và những tổ chức phi chính phủ ở Myanmar nhiều lần kêu gọi chính quyền nước này điều chỉnh luật nhằm hợp pháp hóa mại dâm. Ông Sandar Min, nghị sĩ Myanmar, từng trình đề xuất lên Quốc hội nước này đề nghị hợp pháp hóa mại dâm vào năm 2013, nhưng đề xuất bị bác bỏ.
Đa số gái mại dâm là những đứa trẻ vị thành niên bị gia đình ép bán trinh - Ảnh: Reuters
Giáo dục giới tính: Hầu như không tồn tại
Gái mại dâm tuổi vị thành niên có nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lây lan qua đường tình dục do không được trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình. Bà Win cho biết giáo dục giới tính cho thanh thiếu niên hầu như không tồn tại ở Myanmar.
Theo báo cáo của Chương trình Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS), khoảng 189.000 người ở Myanmar bị nhiễm HIV, tỉ lệ cao hàng đầu ở châu Á, chỉ sau Campuchia và Thái Lan. Thống kê của chính quyền Myanmar cho thấy khoảng 23% trong số người nhiễm HIV tại thành phố Yangon và Mandalay là gái mại dâm.
Wut không hề biết gì về giáo dục giới tính. Cô bán dâm và kiếm 30 USD/ngày, trong khi theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc hồi năm 2015, 43% người trưởng thành ở Myanmar sống với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày.
“Tôi vui vì kiếm được tiền, nhưng tôi cảm thấy sợ hãi khi sức khỏe mẹ tôi ngày càng yếu đi. Chúng tôi phát hiện bà bị nhiễm HIV vào cuối năm ngoái”, Wut nói.
Không được học hành, cơ hội việc làm cho Wut gần như là con số không, nhưng cô đã quyết định bỏ nghề, tìm một công việc thu nhập thấp là làm nhân viên bán hàng trong một cửa hàng điện thoại di động ở Yangon.
“Bây giờ tôi chỉ kiếm 80 USD/tháng nhưng cảm thấy an toàn”, Wut nói. Nhưng Wut cho hay cô cũng có thể quay lại nghề bán dâm nếu cần tiền lo cho gia đình.
Wut hy vọng một ngày nào đó cô sẽ tìm được tấm chồng và có thể nói thật với chồng về quá khứ của mình. Nhưng hiện tại vì sự phân biệt đối xử đối với gái mại dâm ở Myanmar, Wut che giấu quá khứ của cô với tất cả đồng nghiệp ở cửa hàng điện thoại di động.
“Tôi không muốn đổ lỗi cho mẹ tôi vì những gì đã xảy ra với tôi. Một ngày nào đó tôi sẽ lấy chồng và tôi luôn nghĩ đến việc phải đảm bảo cho những đứa con gái của tôi sau này không phải đứng đường như mẹ của chúng”, Wut nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.