Baltic giữa hai chiến tuyến

05/07/2016 06:00 GMT+7

Hoạt động diễn tập quân sự luôn được triển khai ở hai bên biên giới Nga - Baltic nhằm chuẩn bị cho viễn cảnh chạm trán giữa Moscow và phương Tây.

Khi vài chiếc máy bay bí ẩn không biết từ đâu tăng tốc về hướng bắc của Estonia trong một ngày gần đây, các chiến đấu cơ Anh ở sân bay kế cận lập tức được triển khai để chặn đầu kẻ xâm nhập. Họ nhanh chóng xác định được danh tính mục tiêu: 2 chiến đấu cơ và 1 máy bay trinh sát của Nga. Chuyện vừa xảy ra chỉ là một trong những lần đối đầu giữa phương Tây và Nga tại khu vực này, theo tờ The Washington Post.
Vờn đuổi trên không
Kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea vào liên bang Nga, suốt hơn 2 năm qua các quốc gia nhỏ bé ở vùng Baltic bao gồm Estonia, Latvia và Lithuania bị đẩy vào tình thế buộc phải đảm trách vai trò quá khổ trong cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây. Điện Kremlin cấp tập điều động quân đội dọc theo biên giới với các nước này, trong khi các đồng minh phương Tây của nhóm nước vùng Baltic phản ứng bằng cách điều động xe tăng, máy bay chiến đấu, bộ binh vào phần lãnh thổ có diện tích ngang ngửa tiểu bang Florida của Mỹ.
Hầu như ngày nào các chiến đấu cơ của phương Tây và Nga cũng chạm trán nhau trên bầu trời biển Baltic. Theo Hãng tin Reuters, hồi tháng 4, hai chiếc Su-24 của Nga nhiều lần áp sát tàu khu trục Mỹ USS Donald Cook, và có lúc chỉ ở cách tàu Mỹ khoảng 9 m, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ nổ ra chạm trán giữa hai phía và có thể nhanh chóng leo thang thành khủng hoảng quân sự. Bất cứ vụ tấn công nào tại Baltic đều có thể là ngòi nổ bùng phát xung đột lớn hơn cả cuộc chiến tại Ukraine, do Mỹ và các thành viên khác của NATO đều cam kết sẽ bảo vệ khu vực này kể từ khi Estonia, Latvia và Lithuania gia nhập liên minh quân sự vào năm 2004.
Tân tổng tư lệnh liên quân NATO, tướng lục quân Mỹ Curtis Scaparrotti, nhấn mạnh NATO phải luôn trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị khai chiến với Nga, và Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đầu năm muốn tăng gấp 4 lần ngân sách quân sự cho chiến trường châu Âu lên mức 3,4 tỉ USD.
Về phần mình, Nga lên kế hoạch thiết lập 3 sư đoàn vào cuối năm nay, và đóng quân tại các lãnh thổ viễn tây sát Baltic và Ba Lan. Tổng thống Putin cho hay động thái trên chỉ đơn giản để phản ứng trước cuộc kéo quân dồn dập của phương Tây. “Chúng tôi thường xuyên bị cáo buộc gia tăng hoạt động quân sự, nhưng chỉ dồn quân trên chính lãnh thổ của mình. Chúng tôi bị đẩy vào tình thế là phải chấp nhận chuyện nước khác dàn quân ở biên giới như là một thực tế bình thường”, tờ The Washington Post dẫn lời nhà lãnh đạo Nga.
Đạn lên nòng
Các quốc gia vùng Baltic vào năm 1940 đã sáp nhập vào Liên Xô cho đến khi giành quyền độc lập vào năm 1991. Trung tâm nghiên cứu quân sự Rand Corp. đã công bố kết quả phân tích viễn cảnh Nga tấn công Baltic, theo đó các thành viên NATO tại đây không thể trụ nổi trong vòng 60 giờ, có nghĩa là chưa đầy 3 ngày, trong điều kiện quân số hiện tại. Một cuộc diễn tập giả lập tương tự được tổ chức một tháng sau đó cũng dự đoán kết quả thảm bại cho phía NATO nếu chính quyền Moscow thực sự muốn kéo quân đến Tallinn hoặc Riga. Trước nguy cơ trên, nhóm tác giả đề xuất tăng mạnh sự hiện diện quân sự của NATO từ khoảng 2.500 quân lên 7 lữ đoàn, tức hơn 30.000 quân, theo tờ Telegraph hồi tháng 2.
Trước khi chính thức đồn trú quân thường trực tại các quốc gia vùng Baltic, các đội quân NATO liên tục tổ chức tập trận trong khu vực. Những cuộc diễn tập cận chiến trên đường phố vừa được khép lại ở Voru, một thị trấn 16.000 dân cách biên giới Estonia - Nga khoảng 26 km. Lực lượng liên quân quốc tế, trong đó có Mỹ, tiến hành tập trận ở mọi nơi, trải dài từ ngoại ô đến trung tâm thành phố, lôi kéo sự tò mò của người địa phương. Tuy nhiên, ai nấy đều không cho rằng lực lượng NATO có thể cản được bước tiến của quân Nga. “Chỉ một sư đoàn thiết giáp cũng đủ nuốt trọn nơi này”, theo tờ The Washington Post dẫn lời một cư dân tên Roman Jastrebov, 25 tuổi. Tình hình diễn ra tương tự ở Narva, thành phố biên giới của Estonia, mục tiêu hàng đầu của Nga nếu muốn tấn công vùng Baltic.
Địa hình bằng phẳng, trải rộng của vùng Baltic đồng nghĩa với nguy cơ các quốc gia tại đây sẽ dễ dàng bị thất thủ trước khi NATO kịp phản ứng. “Chúng tôi không muốn quay lại thời Chiến tranh lạnh, với xe tăng đối đầu xe tăng, bộ binh chạm trán bộ binh”, theo Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hannes Hanso. Thế nhưng, ngoài khơi biển Baltic, máy bay Nga liên tục xuất kích hầu như mỗi ngày, thậm chí có hôm còn triển khai 5 đợt, buộc quân đội nước này phải liên tục cảnh giác, theo Bộ trưởng Hanso. Và đó cũng là lý do các chiến đấu cơ Anh, Tây Ban Nha và Bỉ phải hiện diện thường trực tại đây.
Trong một diễn biến mới nhất, tổng cộng 25.000 quân đến từ 24 quốc gia vừa góp mặt trong cuộc tập trận quy mô lớn trên đất Ba Lan, mang tên Anaconda 2016 và bao gồm các nội dung bắn đạn thật đối với xe tăng. Tình hình càng trở nên ngột ngạt hơn sau khi giới lãnh đạo Điện Kremlin thường xuyên tuyên bố sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân nếu cần thiết. Điều này, nếu xảy ra, sẽ đẩy NATO vào tình thế “đạn lên nòng”, theo giới chức của khối quân sự phương Tây.
Ngoài ra, NATO cũng chuẩn bị cam kết sẽ đổ thêm 4 tiểu đoàn đến Ba Lan và các nước vùng Baltic trong hội nghị thượng đỉnh tại Warsaw vào ngày 8.7, với mỗi tiểu đoàn gồm 1.000 quân. Theo giới phân tích, hoạt động triển khai 4 tiểu đoàn này sẽ truyền đi thông điệp rằng nếu người Nga chiếm vùng Baltic, họ sẽ phải đối đầu với cuộc tấn công tổng lực của cả khối liên minh quân sự.
Hạn chế nguy cơ chạm trán ở biển Baltic
Sau cuộc hội đàm với Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi buộc mọi chiến đấu cơ sử dụng bầu trời Baltic không được tắt các thiết bị giúp nhận dạng danh tính của máy bay. Tổng thống Nga nêu lên một thực tế đáng sợ rằng không chỉ các máy bay của Nga hoạt động không có thiết bị nhận và phát tín hiệu mà các máy bay của NATO cũng vậy. Ông Niinisto cho rằng cần phải ngưng ngay tình trạng này và ông Putin hứa hẹn sẽ nêu vấn đề trên tại cuộc họp của Hội đồng Nga - NATO, dự kiến sẽ được tổ chức ở Brussels sau hội nghị NATO tại Warsaw.
Một ngày sau cuộc hội đàm ở Phần Lan, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ra lệnh cho quân đội phải tìm cách thiết lập “một hệ thống gồm các biện pháp đáng tin cậy có thể tăng cường hoạt động an toàn của các máy bay ngang qua biển Baltic”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.