Liệu ‘hộ chiếu y tế’ đủ năng lực khởi động du lịch toàn cầu?

04/04/2021 14:00 GMT+7

Từ giấy chứng nhận kỹ thuật số đến “hộ chiếu y tế”, không ít quốc gia trên thế giới đang hy vọng có thể sớm khởi động lại hoạt động du lịch với việc cho phép mọi người chứng tỏ tình trạng sức khỏe cá nhân.

Tuy nhiên, với tình trạng vắc xin chưa được phân phối đồng đều trên toàn cầu, và những quan ngại gia tăng về vấn đề bảo mật dữ liệu, nhiều người vẫn đặt nghi vấn liệu các biện pháp trên có thật sự khả thi hay không.

Kế hoạch của EU

Liên minh châu Âu (EU) giữa tháng 3 công bố kế hoạch thiết lập chứng nhận đi lại nhằm khôi phục hoạt động đi lại tự do trong nội bộ khối. Đối tượng được cấp là những công dân đã tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19.
“Với chứng nhận kỹ thuật số dạng này, chúng tôi mong muốn giúp các quốc gia thành viên khôi phục lại quyền tự do đi lại một cách an toàn, có trách nhiệm và đáng tin cậy”, Hãng tin AFP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Hộ chiếu y tế của Trung Quốc

AFP

Chứng nhận sẽ cung cấp các chi tiết như “liệu người này đã tiêm vắc xin hay chưa, hoặc kết quả xét nghiệm gần đây có âm tính với virus Corona chủng mới hay không, hoặc vừa khỏi bệnh Covid-19 và vì thế đã có kháng thể”.
Thế nhưng, một số ý kiến lo ngại kế hoạch này sẽ vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia thành viên, đặc biệt về quan ngại sẽ xảy ra tình trạng phân biệt đối xử đối với các công dân vẫn chờ được tiêm vắc xin. Tính đến nay, thống kê của AFP cho thấy chỉ có 3,5% dân số EU được tiêm đủ liều vắc xin Covid-19.
Ông Eric Mamer, người phát ngôn Ủy ban châu Âu, cho hay đó là lý do EU không gọi đây là hộ chiếu vắc xin, mà là “chứng nhận kỹ thuật số xanh”
“Đó là tài liệu mô tả tình trạng y tế cá nhân của người mang chứng chỉ”, theo ông Mamer.

Chứng nhận và hộ chiếu dưới dạng ứng dụng?

Theo giới quan sát, nhiều chương trình đang được phát triển nhằm phục vụ cho mục tiêu trên và được thực hiện dưới dạng ứng dụng trên điện thoại thông minh, với các tiêu chí khác nhau để chứng minh tình trạng sức khỏe của người được cấp.
Chẳng hạn, hộ chiếu vắc xin là cách phổ biến nhất để truyền tải thông điệp về việc đã tiêm vắc xin hay không.

Hộ chiếu vắc xin: phân biệt đối xử hay lối thoát trở lại cuộc sống bình thường?

Cũng có các ứng dụng chấp nhận kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính như là bằng chứng cho những người đã khỏi bệnh Covid-19. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo chưa có chứng cứ bảo đảm rằng những người khỏi bệnh và có kháng thể sẽ tránh được nguy tái phát.
Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây cũng đưa ra đề xuất về một dạng chứng nhận sức khỏe nhưng chỉ được chấp nhận trên một lãnh thổ: Đó là thẻ đi lại y tế.
Tấm thẻ này chỉ có tác dụng trên đất Pháp, nhưng cho phép người tiêm đủ liều vắc xin đi ăn uống ở các nhà hàng và tham dự những sự kiện cụ thể.

Thời điểm triển khai

Trung Quốc trong tháng 3 đã triển khai chương trình chứng nhận y tế kỹ thuật số cho 1,3 tỉ công dân, trong đó nêu rõ tình hình tiêm vắc xin và các kết quả xét nghiệm liên quan đến Covid-19 theo Reuters.
Công dân Hy Lạp và CH Síp cũng được cấp hộ chiếu vắc xin để đi du lịch Israel, nơi đã tiêm phòng cho 44% dân số.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có nỗ lực ở quy mô lớn hơn nhằm mở rộng phạm vi đi lại cho nhiều nước. Chẳng hạn, dù được cấp hộ chiếu vắc xin, dân Trung Quốc vẫn không được chấp nhận đi lại ở nước ngoài vì quan ngại về mức độ hiệu quả của vắc xin Covid-19 do Trung Quốc sản xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.