Bài học nào giúp Đức giảm số người chết vì dịch COVID-19?

23/03/2020 16:16 GMT+7

Trong lúc dịch COVID-19 tiếp tục lan nhanh tại Đức với 24.880 ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), số ca tử vong tại nước này là 94, tính đến trưa 23.3 theo website Đại học Johns Hopkins.

Điều này có nghĩa là tỉ lệ tử vong vì dịch COVID-19 tại Đức hiện thấp nhất trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng dịch nghiêm trọng hiện nay: 0,3% so với 9% của Ý 4,6% ở Anh.
Sự trái ngược giữa Đức và Ý gây ngạc nhiên đặc biệt, vì cả hai nước đều có tỉ lệ người 65 tuổi trở lên thuộc nhóm cao nhất châu Âu. Bên cạnh đó, Chỉ số Sức khỏe Toàn cầu của Bloomberg còn đánh giá dân Ý có lối sống lành mạnh hơn láng giềng Đức.
Giới chính khách và các quan chức y tế của Đức có vẻ ngần ngại đưa ra nhận xét về thực tế trên, trong khi số ca nhiễm virus gây COVID-19 tiếp tục tăng mạnh.

Các bệnh viện của London cũng trong tình trạng thiếu giường vì dịch COVID-19

Reuters

Chủ tịch Lothar Wieler của Viện Robert Koch (RKI), tổ chức cố vấn cho chính quyền Berlin về các vấn đề y tế công cộng, thừa nhận bản thân ông không cho rằng sự khác biệt trên sẽ tiếp tục kéo dài giữa Ý và Đức.
“Còn quá sớm để nói Đức chuẩn bị về mặt y tế đối phó dịch COVID-19 tốt hơn so với các nước khác”, theo báo The Guardian dẫn lời bà Marylyn Addo, người đứng đầu khoa bệnh truyền nhiễm của Trung tâm Đại học Y dược Hamburg.
Một cách giải thích khả dĩ cho tình hình trên là trong khi các bệnh viện ở miền bắc Ý bị quá tải vì bệnh nhân mới liên tục nhập viện, hệ thống tại Đức vẫn chưa đến mức tới hạn và có nhiều thời gian hơn để dọn dẹp giường bệnh, tích trữ thêm thiết bị y khoa và sắp xếp nhân sự thay thế.

Miền Bắc Ý thiếu giường bệnh nghiêm trọng

Reuters

“Đức đang có một lợi thế là chúng tôi bắt đầu lần theo dấu vết tiếp xúc kể từ khi phát hiện những ca đầu tiên”, bà Addo cho biết. “Cách làm này cho phép chúng tôi có thời gian chuẩn bị cho các bệnh viện “đón” bão”.
Vấn đề then chốt hơn cả là Đức bắt đầu xét nghiệm cả những người chỉ mới thể hiện các triệu chứng rất nhẹ của dịch bệnh, nhờ đó tổng số ca nhiễm được nước này ghi nhận có thể mang đến bức tranh toàn cảnh chính xác hơn về mức độ lây lan của COVID-19 sơ với những nước khác.
Theo Hiệp hội các bác sĩ bảo hiểm y tế theo luật định của Đức, nước này có năng lực thực hiện khoảng 12.000 xét nghiệm COVID-19/ngày, trong khi Chủ tịch Wieler tuyên bố giới y tế Đức có thể xét nghiệm 160.000 lần trong tuần.

Xét nghiệm sớm là biện pháp hữu hiệu đang được Đức áp dụng

Reuters

Trong khi tốc độ xét nghiệm của Đức không cao bằng Hàn Quốc, chính quyền Berlin hơn cả tháng qua đã ban hành quy định buộc mọi người phải đi thử COVID-19 nếu họ tiếp xúc với người nhiễm, hoặc vừa quay về từ “khu vực có nguy cơ cao” như Lombardy ở Ý hoặc Vũ Hán của Trung Quốc.
Độ tuổi của những người Đức được phát hiện trong vài tuần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại nước này cũng thấp hơn những nước khác, với nhiều người trẻ và khỏe mạnh đi nghỉ mát ở các khu trượt tuyết ở Áo hoặc Ý. Đây là thực tế giúp giải thích tỷ lệ tử vong thấp ở Đức.
Bên cạnh đó, Đức có một hệ thống nhiều phòng thí nghiệm trên khắp đất nước có thể thực hiện xét nghiệm virus Corona ngay từ tháng 1, khi chỉ mới có rất ít ca nhiễm tại đây.

[VIDEO] Thủ tướng Merkel lo 60% - 70% dân số Đức có thể nhiễm virus corona

Ngoài ra, việc người cao tuổi ở Đức không lâm vào tình cảnh quá bi đát như ở một số nước khác có thể cũng có liên quan đến những trải nghiệm khó khăn của họ trong Thế chiến 2.
Báo South China Morning Post dẫn lời Martin Floeter, một thợ điện 55 tuổi chăm sóc cha mẹ mình tại Berlin, nhận xét rằng "những người cao tuổi [Đức] biết cách sống ổn dù có thiếu thốn. Họ biết cách ẩn nấp để tránh hiểm nguy".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.