Bahrain tố Iran âm mưu tấn công

07/01/2016 11:30 GMT+7

Căng thẳng giữa Ả Rập Xê Út và Iran tiếp tục có nguy cơ leo thang lên tầm khu vực sau khi Bahrain tuyên bố phá một âm mưu tấn công “dính líu tới Tehran”.

Căng thẳng giữa Ả Rập Xê Út và Iran tiếp tục có nguy cơ leo thang lên tầm khu vực sau khi Bahrain tuyên bố phá một âm mưu tấn công “dính líu tới Tehran”.

Biểu tình phản đối vụ xử tử giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr trước Sứ quán Ả Rập Xê Út ở New Delhi (Ấn Độ) - Ảnh: ReutersBiểu tình phản đối vụ xử tử giáo sĩ Sheikh Nimr al-Nimr trước Sứ quán Ả Rập Xê Út ở New Delhi (Ấn Độ) - Ảnh: Reuters
Ngày 6.1, Hãng thông tấn BNA của Bahrain dẫn nguồn tin an ninh cấp cao tuyên bố: “Một âm mưu khủng bố liên quan tới lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran và nhóm Hezbollah ở Li Băng vừa bị phá vỡ. Những kẻ tấn công lên kế hoạch tiến hành một loạt vụ đánh bom để phá hoại an ninh của Vương quốc Bahrain”.
Theo BNA, nghi phạm chính tên Ali Ahmed Fakhrawi và người này đã đến Li Băng để nhận 20.000 USD từ Hezbollah. Bahrain không nói rõ Fakhrawi có bị bắt hay chưa nhưng cáo buộc người này có nhiều mối liên hệ với “các phần tử tại Iran”. Chính quyền Tehran lẫn Hezbollah chưa có phản ứng về các thông tin trên.

Iran tiết lộ kho tên lửa ngầm thứ hai

Trong bối cảnh căng thẳng dâng cao, Iran công bố đoạn phim dài 1 phút quay cảnh một kho tên lửa ngầm mới chứa nhiều tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao Emad do nước này tự phát triển. Theo Reuters, đây là kho tên lửa ngầm thứ hai của Iran được tiết lộ. Hình ảnh trên truyền hình cho thấy cơ sở này nằm sâu trong lòng núi và do lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran kiểm soát. Theo cáo buộc từ Mỹ, tên lửa Emad, được bắn thử hồi tháng 10, có khả năng mang được đầu đạn hạt nhân.

Hiện Bahrain đã cùng Sudan và Djibouti cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran để bày tỏ ủng hộ Ả Rập Xê Út về vụ một nhóm quá khích tấn công sứ quán của Ả Rập Xê Út tại Tehran sau khi chính quyền Riyadh hành hình ông Nimr al-Nimr, một giáo sĩ rất có ảnh hưởng của dòng Hồi giáo Shiite.
Trước đó, Ả Rập Xê Út quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao cũng như đình chỉ quan hệ giao thương và các dịch vụ hàng không với Iran. Những nước Hồi giáo dòng Sunni khác như Kuwait, Jordan và UAE cũng có các động thái phản đối Iran. Đáp lại, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố những hành động của Ả Rập Xê Út là nhằm “che giấu tội ác”.
Trong hôm qua 6.1, cộng đồng Hồi giáo Shiite ở nhiều nước tiếp tục biểu tình phản đối vụ xử tử giáo sĩ Nimr còn chính quyền Syria và Hezbollah ở Li Băng tỏ ra ủng hộ Iran.
Theo giới quan sát, căng thẳng hiện nay sẽ khiến những cuộc chiến tại Trung Đông thêm trầm trọng. Không những đại diện cho 2 dòng Hồi giáo đối nghịch, Ả Rập Xê Út và Iran còn đang chạy đua trở thành thế lực mạnh nhất khu vực, thông qua việc hậu thuẫn những phe phái kình chống nhau tại Yemen và Syria nên “cuộc chiến giấu mặt” giữa 2 bên sẽ càng thêm tồi tệ. Bất ổn cũng có thể ảnh hưởng lên giá dầu đồng thời tác động tai hại đến cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS).
Trước tình hình trên, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh và Liên đoàn Các quốc gia Ả Rập hôm qua 6.1 thông báo sẽ lần lượt tổ chức họp bất thường vào các ngày 9 và 10.1 để tìm giải pháp tháo gỡ căng thẳng. Suốt mấy ngày qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry liên tục điện đàm với những người đồng cấp Iran và Ả Rập Xê Út, kêu gọi giữ bình tĩnh và xúc tiến thỏa thuận hòa bình vì Syria. Trong khi đó, Liên Hiệp Quốc cảnh báo: “Mối quan hệ vỡ tan giữa Riyadh và Tehran có thể để lại những hậu quả rất nghiêm trọng cho khu vực”, theo AFP.
Cũng trong ngày 6.1, Nga, Pakistan, Iraq lên tiếng sẵn sàng làm trung gian, thúc đẩy đối thoại giữa Iran và Ả Rập Xê Út.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.